Ngày giỗ Tổ Hùng Vương - tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc
LSO-“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng luôn thu hút được đông đảo du khách thập phương – Ảnh: Tư liệu |
Câu ca gợi nhớ về âm vang của lịch sử, khơi dậy tinh thần dân tộc, động lực chủ yếu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngày giỗ Tổ là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dẫu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp tim. Nhà thơ Chế Lan Viên đã có những câu thơ hào sảng: “Cả Tổ quốc Hùng Vương liền một dải/ Ngoảnh mặt nhìn đâu cũng thấy anh em…/Ta đi lên từ nền văn minh lưu vực sông Hồng…/ Cả dân tộc bay theo hình chim lạc…”.
Thờ cúng Hùng Vương phát triển mạnh từ rất lâu trước khi được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428-1788). Các triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì thờ cúng Hùng Vương. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước đã thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm, là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.
Kháng chiến thắng lợi, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong, trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm quan”. Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc ta đã được thực hiện vào mùa xuân 1975. Thời đại Hồ Chí Minh – thời đại cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy” tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ ấy là sợi dây liên kết tinh thần giữa thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh quan niệm sống của người Việt trọng nghĩa, thuỷ chung, sự biết ơn, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Năm 1995, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tại nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ nhà nước, trong đó Chính phủ đã có quy định cụ thể về quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương rất cụ thể. Trong ngày giỗ Tổ, nhân dân cả nước có điều kiện đều tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Với ý chí và khát vọng độc lập, tự do, tự chủ, tự cường, giỗ Tổ Hùng Vương góp phần bồi đắp thêm và làm sáng ngời chân lý “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định.
Tìm về non thiêng Nghĩa Lĩnh là tìm về giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân – yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Ngày giỗ Tổ năm nay vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với lòng tự hào và thành kính hướng về nguồn cuội, chúng ta càng thấy trách nhiệm với lời dạy của tiền nhân, nêu cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc, huy động mọi nguồn lực chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
MAI TÙNG
Ý kiến ()