Ngày giỗ Tổ Hùng Vương
LSO-Hùng Vương là vị vua thủy tổ dựng nước, là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang, của dân tộc Lạc Việt. Trong đời sống tâm linh người Việt, Vua Hùng có vị trí quan trọng đặc biệt. Theo truyền thuyết, các vua này là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Quang cảnh lễ hội Đền Hùng năm 2013 – Ảnh: Tư liệu |
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba…
… Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba thì về” .
Âm vang của lịch sử đang khơi dậy tinh thần dân tộc, động lực chủ yếu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước bao đời ông cha truyền lại. Ngày 6 tháng 12 năm 2012 tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, gặp nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con, đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương làm vua vào năm Nhâm Tuất (hơn 2.000 năm trước công nguyên). Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long, sinh ra con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi cha, niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là bà Âu Cơ, sinh ra được một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con- là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm nhà vua bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về phía Nam, miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ). Đặt tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan lang, con gái là Mỵ nương, các quan nhỏ gọi là Bố chính. Nước Văn Lang chia ra làm 15 bộ. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, có bộ lạc Văn Lang là hùng mạnh hơn cả, lãnh thổ của bộ lạc trải dài từ chân núi Ba Vì tới sườn núi Tam Đảo. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã đóng vai trò lịch sử là người đứng ra thống nhất các bộ lạc của Lạc Việt, dựng nên nước Văn Lang. Ông xưng Vua, hiệu là Hùng Vương và con cháu sau này nhiều đời cũng mang danh hiệu đó.
Trong sâu thẳm tâm thức của người Việt, ý thức về cội nguồn chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi vì “Con người có tổ có tông, như cây có gốc, như sông có nguồn”. Thật ra, không phải đến bây giờ mới có quyết định tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương, mà sau cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 18-02-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN, cho công chức được nghỉ ngày 10-3 âm lịch hằng năm để tham gia các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946), cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước, đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý, nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đã cản trở việc thực hiện Sắc lệnh 22 của Chủ tịch nước. Nước chưa bình yên, dân chưa hạnh phúc, thì công chức chưa được nghỉ lễ trong ngày giỗ Tổ. Sau 32 năm thống nhất đất nước, đến ngày 2-4-2007, Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 11) đã thông qua Bộ Luật Lao động. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đó, hằng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ, mang ý nghĩa bản sắc văn hóa, thể hiện thần thái Quốc hồn của dân tộc.
“Nước non vẫn nước non nhà”, song tinh thần ấy, động lực ấy đang được nâng lên trong bối cảnh thế giới mới mà dân tộc, sự tự khẳng định của bản sắc, ý thức, quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm dân tộc đã là xu hướng lớn của thời đại. Trên ý nghĩa đó, “Giỗ Tổ Hùng Vương” càng tô đậm thêm nét vào văn hóa đậm đà của ngày kỷ niệm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc 39 năm trước.
“Thời đại Hùng Vương, thời đại Đông Sơn là một tổng hợp của lịch sử đã làm nên một Văn Lang, một Âu Lạc, một nước, một nhà nước đầu tiên. Để từ đó, bên làng còn có nghĩa nước, bên đồng hương còn có đồng bào. Và từ đó, một lòng yêu nước bất khả chiến bại”. Trong đời sống tâm linh của người Việt, vua Hùng có vị trí quan trọng đặc biệt linh thiêng, sức sống trường tồn và mạnh mẽ của tín ngưỡng này cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng là một trong những ưu điểm góp phần nâng cao giá trị của di sản. Cùng với cả nước, Lạng Sơn chúng ta tổ chức mừng ngày giỗ Tổ Hùng Vương là để tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của dân tộc.
MAI TÙNG
Ý kiến ()