Ngày đầu năm ở đơn vị "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng"
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5). Đầu Xuân Nhâm Thìn, chúng tôi đến Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5). Vượt qua chiếc cổng gác bề thế còn thơm mùi sơn, theo con đường nhựa phẳng lỳ là đến Sở chỉ huy đơn vị. Đến Tiểu đoàn 1, gặp Đại úy Nguyễn Văn Sinh, vừa nhậm chức Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự mới vài ngày và những pháo thủ trẻ măng - chủ nhân của những chú "voi sắt" 130 mm, 152 mm vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia diễn tập bắn mục tiêu vận động trên biển.Trong câu chuyện rôm rả với cánh lính trẻ kể về việc tập luyện và những khó khăn trong quá trình làm công tác chuẩn bị giúp tôi nghiệm ra rằng, làm lính pháo binh, dù thời chiến hay thời bình đều cần có "chân đồng, vai sắt" để sẵn sàng "kéo pháo ta vượt qua đèo, kéo pháo ta vượt qua núi". Dãi nắng dầm mưa trên bãi tập, nên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thường có nước da nhuộm màu nắng gió. Cũng bởi thế, các...
![]() Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5). |
Trong câu chuyện rôm rả với cánh lính trẻ kể về việc tập luyện và những khó khăn trong quá trình làm công tác chuẩn bị giúp tôi nghiệm ra rằng, làm lính pháo binh, dù thời chiến hay thời bình đều cần có “chân đồng, vai sắt” để sẵn sàng “kéo pháo ta vượt qua đèo, kéo pháo ta vượt qua núi”. Dãi nắng dầm mưa trên bãi tập, nên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thường có nước da nhuộm màu nắng gió. Cũng bởi thế, các anh luôn có nụ cười “tỏa nắng”, mà đã gặp một lần là không thể nào quên. Nếu như lính xe tăng “như năm ngón tay trên một bàn tay”, thì lính pháo binh vào vị trí chiến đấu cả khẩu đội bảy người như một. Tuy mỗi người đảm nhận những phần việc khác nhau, song tất cả các pháo thủ đều tự hào về vai trò “mắt xích” trong dây chuyền khép kín của khẩu đội. Khi pháo thủ Đào Duy Thịnh “phụ trách” giá ngắm, lấy tầm hướng tỏ ra hãnh diện về vị trí số 1, thì pháo thủ số 2 – Nguyễn Chí Sơn lại tủm tỉm “chức năng đóng mở khóa nòng và báo độ lùi là không thể xem thường”, các số 3, 4, 5, 6, 7 chuyên nạp đạn, chuyển đạn, tống đạn, thao tác ngòi liều cũng thấy mình “oách” không kém với khả năng cơ động nhanh, phối hợp linh hoạt, ăn ý. Do đặc thù nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn chiến trường, lính pháo binh rất đa năng. Anh nào cũng “giỏi việc mình, biết việc người khác” để có thể thay thế nhau khi cần.
Từng nghe “Ăn pháo thủ, ngủ thông tin”, bây giờ gặp “người trong cuộc” tôi mới vỡ lẽ, đừng tưởng lính pháo binh “ăn no vác nặng”. Để có phần tử bắn, phải đo đạc, tính toán xác định thực địa, bản đồ, phải tính chất đất, thiết bị pháo, rồi sửa gió, sửa chênh cao. Nghĩa là phải giỏi rất nhiều môn học: Địa chất, Khí tượng thủy văn, Đồ bản, Toán học, Vật lý… chinh phục hàng trăm phép tính nhằm đưa đạn bay trúng đích. Có dịp chứng kiến cuộc khai hỏa của bộ đội Lữ đoàn trên vùng biển Sơn Tịnh, Quảng Ngãi tháng 5-2011 mới thấy, trên đài chỉ huy, những chiến sĩ trinh sát, kế toán, đo đạc, thông tin luôn vận hành tối đa công suất quan sát mục tiêu, tính toán phần tử, lượng sửa. Chả thế mà họ được mệnh danh là những “tai mắt” của chỉ huy. Song dù là “tai mắt” vẫn không hề được “ngồi mát ăn bát vàng” bởi thông tin phải dải dây suốt chặng đường dài gần chục cây số từ đài chỉ huy đến trận địa qua mọi địa hình, địa vật; trinh sát, đo đạc bám thực địa để bảo đảm tính toán sát thực tế chiến đấu.
Trong quãng thời gian quân ngũ 18 tháng, được bắn đạn thật, dù chỉ một lần, với lính pháo binh đã là hạnh phúc. Thế mà khóa chiến sĩ nhập ngũ đợt 2 – năm 2010 vào Lữ đoàn lại trúng số độc đắc, được “thăng hoa” cùng pháo đến hai lần: bắn trên núi và trên biển. Đặc biệt, khẩu đội 1 của Trung sĩ Khẩu đội trưởng Võ Văn Hung còn lập được “kỳ tích”: Trong một lần bắn thử phát đầu tiên đã trúng mục tiêu, không cần tìm lượng sửa cho… nhọc công. Kết quả ấy có được là nhờ sự đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ giúp đơn vị lập nên chiến công.
Còn nhớ năm 2009, trong một lần thực hành bắn đạn thật của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tại Trường bắn quốc gia 2. Sau những loạt khạc lửa dũng mãnh, nòng pháo 130 mm đỏ rực như nung, những tàn lửa tóe ra làm cháy cả lá ngụy trang cắm quanh công sự, đưa chúng “đậu” trên nóc hầm đạn, bén vào chiếc dẻ lau bùng lên. Trước tình huống nguy cấp, pháo thủ số 5 Nguyễn Tấn Thành đã kịp thời xúc cát dập tắt lửa. Vì thế, lính pháo binh luôn tự hào có “thần kinh thép”, trong khói lửa ngút trời cứ bình tĩnh như không, mọi thao tác vẫn thuần thục, các sự cố đều tự tin đối mặt và khắc phục có hiệu quả. Phải chăng đó chính là bí quyết hàng đầu để Lữ đoàn luôn phát huy truyền thống “đã ra quân là đánh thắng”?
Năm 2012, Lữ đoàn Pháo binh 572 tròn 40 tuổi quân. Bốn mươi năm – “những ngày thương nhớ” là bệ phóng, hành trang để đơn vị vững bước phấn đấu huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, xứng danh Lữ đoàn Anh hùng của Binh chủng Anh hùng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()