Ngày càng vắng bóng
LSO-Hiện nay, trang phục các dân tộc thiểu số của vùng núi phía Bắc nói chung, Lạng Sơn nói riêng đang ngày càng vắng bóng trong đời sống của đồng bào. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ trang phục truyền thống đang trở thành nhu cầu cấp bách.
Thợ may quần áo dân tộc Nùng tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc |
Nguy cơ mai một bản sắc
Là người dân tộc Nùng, nhưng chị Mỗ Thị Diệp (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) thường mặc áo sơ mi, hoặc áo phông, chứ không mặc áo của dân tộc mình. Quần chị mặc cũng là quần bằng vải pha nilon, có in hoa văn, chứ không phải quần dệt bằng vải chàm có thêu hoa văn truyền thống. Tôi hỏi chị Diệp: “sao không mặc trang phục người Nùng”, chị cho hay: “Váy áo của mình chỉ có 1 – 2 cái, không có nhiều, không mặc nhiều được. Mình mua váy áo này ở chợ, không phải làm, mà cũng không mất nhiều tiền, tiện lắm, không vướng víu như quần áo truyền thống”.
Em Hoàng Thị Thời, dân tộc Tày (thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan) kể: “Trước đây em thường mặc trang phục dân tộc mình, nhưng bây giờ thì em chỉ mặc quần áo dân tộc vào những ngày lễ tết, đi ăn hỏi, ăn cưới các bạn trong thôn, còn ngày thường, em vẫn mặc trang phục người Kinh”. Thời chia sẻ: “Quê em nhiều dân tộc cùng sinh sống, hầu hết mọi người đều mặc quần áo người Kinh cả, nên em mặc giống mọi người cho đỡ… ngại”.
Trên thực tế, không chỉ Văn Lãng, Văn Quan mà ở các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh, đồng bào các dân tộc cũng ngày càng ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Theo khảo sát sơ bộ của các chuyên viên phụ trách văn hóa, toàn tỉnh chỉ có khoảng 10% dân số còn gìn giữ và mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết; còn số mặc hằng ngày chỉ chiếm khoảng 5%.
Nhiều thách thức trong bảo tồn
Nói về nguyên nhân của thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo tồn trang phục truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đã thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ, lựa chọn cho mình những bộ trang phục vừa hợp túi tiền vừa tiện lợi khi sử dụng hằng ngày.
Một thách thức nữa là từ cơ chế chính sách. Hiện nay, hầu hết các chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc mới chỉ tập trung vào việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống; bảo tồn làng nghề truyền thống; bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca dân vũ; bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết… nhưng lại chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó có gìn giữ phát huy trang phục truyền thống của dân tộc bằng các giải pháp thiết thực như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào; xây dựng các chương trình, đề án gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống; tăng cường xúc tiến, quảng bá trang phục truyền thống tại các lễ hội, liên hoan du lịch…
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()