Kỳ họp thứ IX, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ QH khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 21-3-2011 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và dự kiến làm việc trong thời gian khoảng tám ngày (bế mạc ngày 29-3-2011).
Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua bốn dự án luật, đó là: Luật Kiểm toán độc lập, Luật Phòng chống buôn bán người, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thủ đô.
Về việc xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội và các vấn đề quan trọng khác, QH sẽ nghe và thảo luận các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011. Theo báo cáo bổ sung, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) kế hoạch năm 2010 là 6,5%, ước thực hiện năm 2010 đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ VIII là 6,7%, đánh giá lại thực hiện năm 2010 là 6,78%.
Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét các báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2010 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2010 theo quy định của Luật Bình đẳng giới; đồng thời QH cũng xem xét các báo cáo về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và xem xét một số vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ QH khóa XII, do đó bên cạnh công tác xây dựng pháp luật và xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội, thì trọng tâm của kỳ họp QH lần này còn tập trung vào việc xem xét báo cáo đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan như: Báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 – 2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2011 và tình hình kinh tế – xã hội tháng 1-2011 Văn phòng QH cho biết, triển khai các Nghị quyết của QH, ngay từ cuối tháng 11-2010, Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương giao dự toán ngân sách Nhà nước, giao kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 với quan điểm tập trung sức để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Về cơ bản, các bộ, ngành thực hiện phân bổ kế hoạch đúng với tổng mức vốn và cơ cấu ngành được giao, các địa phương được yêu cầu tập trung bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp, với các dự án khởi công mới thì chỉ bố trí vốn cho các dự án thật sự cần thiết. Việc phân bổ kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ cũng được chỉ đạo triển khai sớm hơn các năm trước.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2011 theo Văn phòng QH, ngay từ đầu tháng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, giá cả,… Với những giải pháp, biện pháp quyết liệt và sự khẩn trương trong triển khai thực hiện, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 có những diễn biến tích cực đạt nhiều kết quả:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2010 do trị giá xuất khẩu các nhóm hàng đều tăng cao hơn, lượng xuất nhiều hơn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 28,41% so cùng kỳ năm 2010, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 14,47%; Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước tăng 15,9% so cùng kỳ năm 2010. Nhiều khoản thu ngân sách có mức tăng khá so cùng kỳ năm 2010, như thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 17,7%, thu nội địa tăng 15,7%, thu từ dầu thô tăng 15%. Chi ngân sách trong tháng 1 ước tăng 19,3% so cùng kỳ năm 2010, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 11,1% dự toán, tăng 20,3%.
Tuy nhiên, đã xuất hiện một số yếu tố không thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của QH, đó là: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,74% so với tháng 12-2010. Đây là mức tăng cao hơn so với nhiều năm (tháng 1 các năm 2004, 2005, 2006, 2007 tăng 1,1-1,2%, năm 2009 tăng 0,3%, 2010 tăng 1,36%) và tháng 2 dự báo tiếp tục tăng ở mức khá cao. Thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối diễn biến không ổn định, chịu nhiều sức ép của lãi suất, tỷ giá. Mức lãi suất cho vay VND phổ biến 16-17%/năm, khá cao so với khả năng hoàn vốn của doanh nghiệp và chưa có xu hướng giảm. Cung-cầu ngoại tệ vẫn căng thẳng và diễn biến tỷ giá trên thị trường vẫn phức tạp. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Ý kiến ()