Ngày 2/4/1975: Giải phóng tỉnh Khánh Hòa
Ngày 2/4/1975, ta giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Tổng cục Chính trị ra chỉ thị công tác chính trị trước thời cơ chiến lược mới, động viên bộ đội xốc tới giải phóng hoàn toàn miền nam.

Ngày 2/4/1975, tại Khánh Hòa, trước khí thế tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, công chức, cảnh sát ngụy ở Nha Trang bỏ chạy. Tiểu khu Khánh Hòa và Trường hạ sĩ quan Đồng Đế bị bỏ ngỏ. Tướng lĩnh Quân đoàn 2 quân đội Việt Nam Cộng hòa tìm phương tiện chạy trốn. Binh lính nổ súng cướp xe thoát về Cam Ranh.
17 giờ cùng ngày, sau khi đánh tan các chốt điểm của địch ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì, được sự hướng dẫn của lực lượng cốt cán (do Ban cán sự nội thành cử ra Ninh Hòa đón quân giải phóng), lực lượng binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 rầm rộ vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào thành phố Nha Trang. Nhân dân từ Đồng Đế đến nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Chiều 2/4/1975, tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng.
Tại Lâm Đồng, được sự giúp đỡ của cơ sở cách mạng và quần chúng nhân dân địa phương, lực lượng chủ lực của Quân khu 6 hành quân đến vượt cầu Đại Ninh, cầu Phi Nôm tiến vào giải phóng thị trấn Tùng Nghĩa, quận lỵ Đức Trọng ngay trong đêm 2/4/1975. Toàn bộ quân địch ở đây tan rã nhanh chóng, Ủy ban quân quản huyện Đức Trọng và thị trấn Tùng Nghĩa được thành lập, do đồng chí Nguyễn Xuân Khanh làm Chủ tịch.
Tại chiến trận Chơn Thành-Đường 13, các cánh quân địch tháo chạy khỏi chi khu quân sự này đều bị ta chặn lại. Các đơn vị quân giải phóng đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân phối hợp với bộ đội chủ lực vây bắt địch tháo chạy. Ta giải phóng chi khu quân sự Chơn Thành, thu và phá hủy nhiều phương tiện và vũ khí của địch.
Ngày 2/4/1975, tại căn cứ Vĩnh An của Quân khu 7, Thượng tướng Trần Văn Trà giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 triển khai lực lượng trên hai hướng: đông và tây nam Sài Gòn; Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi Quân đoàn, hoạt động trên hướng tây nam trong đội hình Đoàn 232.
Tại Cần Thơ, ngày 2/4/1975, Trung đoàn 2 Sư đoàn 4 Quân khu 9 đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 33 Sư đoàn 21 Việt Nam Cộng hòa. Cùng ngày, quân địch đưa thêm hai tiểu đoàn vào tăng cường nhưng sau đó mất tinh thần, lại rút chạy về Thới Lai. Trung đoàn 2 truy kích bắn cháy 2 xe M113, đánh chìm 2 tàu chiến trên sông Ô Môn-Thới Lai. Trong đêm 2/4/1975, Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn Tây Đô của tỉnh Cần Thơ tiến công tiêu diệt 2 đại đội địch và bao vây chi khu Một Ngàn.
Tại Long Châu Hà, ngày 2/4/1975, Trung đoàn 101 tiến công vào chỉ huy sở của Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 Việt Nam Cộng hòa, gây thiệt hại nặng cho địch. Sau đó, đơn vị diệt nốt phân chi khu và hai đồn. Ta đã kiểm soát một đoạn lộ liên tỉnh Hà Tiên-Rạch Giá.
Ở Tây Nam Bộ, đầu tháng 4/1975, Đoàn 232 được bổ sung lực lượng tương đương cấp Quân đoàn gồm các sư đoàn 3, 5, 9, Khu 8 và được tăng cường một số đơn vị xe tăng, pháo binh, công binh chuẩn bị vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến vào Sài Gòn từ hướng tây và tây nam.
Tại Tổng hành dinh, ngày 2/4/1975, sau khi nghe báo cáo về giải phóng Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa… Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Với tầm nhìn chiến lược, có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ XXI.
Cùng ngày, Tổng cục Chính trị điện gửi các chiến trường, các quân chủng, binh chủng về công tác chính trị trước thời cơ chiến lược mới, động viên bộ đội xốc tới giải phóng hoàn toàn miền nam.
Ý kiến ()