Ngát thơm hương quế Trà Bồng
Quế được sơ chế để xuất khẩu. Người dân tộc Cor - mang họ Hồ của Bác đã sống bằng nghề trồng quế ở huyện miền núi Trà Bồng từ bao đời nay. Trải qua bao thăng trầm, cộng đồng các dân tộc vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi ngày nay đã xây dựng cho mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để có được hương quế nồng nàn như hôm nay là nhờ công sức lao động nhọc nhằn của bao thế hệ người dân trồng quế nơi đây...Cuối tháng tư, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi về huyện Trà Bồng trong ngạt ngào hương quế vừa bước vào vụ thu hoạch. Đến thăm một số hộ gia đình người dân tộc Cor, tận mắt thấy cảnh lao động, chăm sóc quế, mới cảm nhận hết được cái vất vả, gian truân của những người dân trồng quế. Trước đây, do canh tác tự phát, cây quế chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngày nay, thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện, nhiều hộ gia đình ở Trà Bồng đã đầu tư, chăm sóc cho vườn quế theo hướng thâm canh, cho năng suất cao....
Quế được sơ chế để xuất khẩu. |
Cuối tháng tư, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi về huyện Trà Bồng trong ngạt ngào hương quế vừa bước vào vụ thu hoạch. Đến thăm một số hộ gia đình người dân tộc Cor, tận mắt thấy cảnh lao động, chăm sóc quế, mới cảm nhận hết được cái vất vả, gian truân của những người dân trồng quế. Trước đây, do canh tác tự phát, cây quế chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngày nay, thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện, nhiều hộ gia đình ở Trà Bồng đã đầu tư, chăm sóc cho vườn quế theo hướng thâm canh, cho năng suất cao. Mặc dù những năm gần đây, giá quế thường xuyên bấp bênh, nhưng đồng bào Cor vẫn vững vàng, gắn bó cùng cây quế, xác định đây là hướng làm giàu bền vững trên quê hương mình.
Xã Trà Sơn hiện có 1.040 hộ đồng bào Cor, thì có tới 900 hộ nhận đất đầu tư trồng hơn 300 ha quế. Nhiều hộ gia đình trong xã có được cuộc sống ấm no, hạn chế tình trạng tái nghèo một phần nhờ cây quế và trồng rừng kết hợp chăn nuôi phát triển mạnh… Gặp một số lão nông, chúng tôi được biết, theo kinh nghiệm truyền thống, nghề trồng quế của đồng bào Cor ở Trà Bồng phải trải qua các khâu chọn giống, ươm giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Những cây quế được chọn lấy hạt để làm giống là những cây phát triển tốt. Vào dịp cuối năm, người Cor tiến hành hái hạt, phơi khô, cho vào ống nứa treo ở bếp. Đầu năm sau thì công việc ươm giống được tiến hành. Trước khi ươm, lấy hạt ủ trong lớp lá dày để làm tiêu lớp vỏ ngoài; sau đó bỏ hạt vào nước, chọn những hạt chìm để ươm. Giống được ươm ở những nơi thoáng, có độ ẩm và có ánh sáng vừa phải. Đất ươm giống là loại đất mùn, ẩm, được làm tơi, nhỏ vun thành luống, tra hạt cách hạt, phủ lên trên một lớp cỏ khô mỏng và làm giàn che nắng mưa cho cây con. Vào khoảng giữa mùa thu hằng năm, thời điểm này ở miền núi Quảng Ngãi ít nắng gắt, đồng bào mang giống quế con lên rẫy để trồng. Khâu chăm sóc quế quan trọng nhất là chống sâu bệnh và làm cỏ. Hằng năm có hai đợt thu hoạch quế. Đợt một bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3 và đợt thứ hai từ tháng 7 đến tháng 8 (âm lịch). Trong khoảng thời gian này vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu. Người trồng quế thường dùng dao để rạch vỏ quế và cái móc để tách vỏ ra. Sau khi khai thác, vỏ quế được phơi hong trong bóng mát, úp ruột vỏ xuống dưới để bảo vệ tinh dầu. Quế phơi khô bó thành từng bó và bó cỏ tranh hoặc lá chuối khô hai đầu để bảo quản.
Gặp ông Hồ Văn Thuận ở xã Trà Hiệp, một người có thu nhập khá từ nghề trồng quế, ông cho biết, cây quế đang trở thành niềm hy vọng lớn cho cả vùng, nhất là sau khi cây quế Trà Bồng, Trà My được Nhà nước cấp chứng nhận đăng ký bản quyền. Không riêng gì ở xã Trà Hiệp mà các xã Trà Thủy, Trà Giang, Trà Tân và Trà Bình, thị trấn Trà Xuân cũng có rất nhiều gương làm ăn giỏi từ cây quế. Ông Hồ Văn Mật, ở thôn 3, tổ 6, xã Trà Thủy hồ hởi cho chúng tôi biết, hộ gia đình ông hiện trồng bảy ha, tất cả đang trong thời kỳ thu hoạch. Năm 2011, gia đình ông thu hoạch được hơn ba tấn quế, thu nhập hơn 30 triệu đồng. Năm nay thu nhập khá hơn. Nhờ quế mà ông đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi năm nhân khẩu, con cái ai cũng được đi học. Ông Mật nói: “Bây giờ nhà mình đã có cuộc sống tốt hơn trước nhiều, gia đình đã thoát được nghèo. Không riêng hộ gia đình mình, ở địa phương còn có các hộ ông Ỉnh, ông Cảnh, ông Lực… cũng có thu nhập cao từ trồng quế”. Ở Trà Bồng, có xã, có hộ trồng kín quế trong khu vườn gần nhà, với hàng chục nghìn cây. Nhờ chủ trương đúng của địa phương và sự hỗ trợ kịp thời về giống, phân bón, kỹ thuật của Nhà nước, hiện nay cây quế đã “lan ra” các khu đồi mới khai hoang, cho năng suất cao. Cây quế tuy không cho lương thực, thực phẩm, nhưng từ cây quế vẫn cho bà con dân tộc Cor gạo để ăn, vật liệu để xây nhà, máy thu hình để xem, xe cộ đi lại và con cái được học cái chữ ở trường. Nhờ có năng suất cao và tìm được hướng xuất khẩu mà hương quế Trà Bồng đã tỏa hương vượt biên giới đến với các nước trong khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND huyện vừa được xây dựng khang trang, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thế, cho biết, hiện nay, việc trồng cây quế của địa phương gặp nhiều khó khăn do giá cả, đầu ra không ổn định, làm cho người trồng quế nhiều khi khốn đốn. Giá quế vỏ trên thị trường lúc thăng, lúc trầm, có khi rớt xuống chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg quế tươi, 9.000 đồng/kg quế khô, cho nên nhiều hộ đồng bào đã phải chuyển một phần diện tích trồng quế trước đây sang trồng keo, cho nên diện tích quế bị thu hẹp dần. Lúc cao điểm, diện tích quế của Trà Bồng có khi lên tới hơn mười nghìn ha, có lúc xuống chỉ còn hơn hai nghìn ha. Để hỗ trợ dân yên tâm gắn bó với nghề trồng quế, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tạo ra nhiều chính sách thông thoáng, khuyến khích sản xuất, hỗ trợ đầu ra, vật tư kỹ thuật. Tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp triển khai dự án trồng, thu mua và chế biến quế xuất khẩu tại huyện Trà Bồng. Ngoài ra, tỉnh và huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà khoa học cùng với nông dân, liên kết để xây dựng thương hiệu quế quê hương Trà Bồng phát triển. Giờ đây, cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi nói chung, người dân tộc Cor ở Trà Bồng nói riêng không còn khép kín trong các buôn, làng, mang nặng tính tự cung, tự cấp, mục đích sản xuất không còn dừng lại ở việc làm quế để quy đổi ra lương thực để đáp ứng nhu cầu cuộc sống như trước đây mà còn mong muốn tự địa phương sơ chế nguyên liệu quế để mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Trần Đức Minh, trăn trở, tiềm năng đất đai phát triển cây quế ở vùng miền núi huyện còn dồi dào, nhưng việc mở rộng diện tích trồng quế còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế – xã hội miền núi thì một việc cần thiết phải làm là quy hoạch đất rừng một cách hợp lý, nhằm tạo ra cơ sở khai thác hiệu quả nhất tiềm năng các loại đất rừng. Trên cơ sở đó, sử dụng diện tích đất rừng phát triển cây nguyên liệu vào mục đích trồng quế và các cây nguyên liệu khác phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh. Làm được như vậy, việc quy hoạch phát triển diện tích rừng nguyên liệu quế ở những nơi thích hợp sẽ thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân miền núi có quỹ đất để đầu tư phát triển trồng cây quế bài bản hơn, phát triển xứng với vị trí của cây nông sản đặc chủng của địa phương hơn.
Để tạo điều kiện cho địa phương phát triển sản xuất, làm giàu từ rừng nói chung và từ cây quế nói riêng, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 trong đó giao cho huyện Trà Bồng trồng 650 ha rừng tập trung. Huyện hiện có gần 22 nghìn ha rừng, trong đó hơn nửa là diện tích rừng tự nhiên và hơn mười nghìn ha rừng trồng mới, trong đó cây quế đóng vai trò quan trọng. Kinh tế Trà Bồng hôm nay đang dịch chuyển từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển mạnh theo các mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp chăn nuôi. Đặc biệt cây quế Trà Bồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của đồng bào Cor.
Theo Nhandan
Ý kiến ()