Ngành y tế: Tích cực xử lý môi trường, phòng dịch
– Ngày 9 và 10/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây ngập úng cục bộ tại một số huyện, thành phố. Bên cạnh việc tích cực chủ động khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ngập úng để ổn định sản xuất, vấn đề đáng được quan tâm là công tác xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống những dịch bệnh liên quan.
Mưa lũ thường gây ra những tác động xấu đến môi trường sống và sức khỏe con người. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh bùng phát và lây lan như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, thương hàn, mắt đỏ và bệnh ngoài da… Nếu không có các biện pháp phòng, chống và ứng phó tốt thì rất dễ bùng phát thành dịch. Để giúp người dân đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa mưa lũ, ngành y tế đã chủ động triển khai các biện pháp vệ sinh phòng dịch.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan phun khử khuẩn môi trường tại Trạm Y tế sau mưa lũ
Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ, Sở Y tế đã có văn bản số 1072/SYT-NVYD ngày 11/5/2022 về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức phối hợp, khẩn trương xử lý môi trường đảm bảo không để dịch bệnh phát sinh và lây lan, đảm bảo đủ nước sạch đối với dân cư những vùng bị thiên tai. Các đơn vị y tế chủ động trang thiết bị, vật tư y tế với phương châm “4 tại chỗ” để triển khai nhanh chóng các biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý các ổ dịch phát sinh (nếu có) để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của Nhân dân.
Theo đó, các đơn vị y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, xử lý vệ sinh môi trường như: phun khử khuẩn, xử lý vệ sinh các nguồn nước giếng khơi, giếng đào; tuyên truyền, hướng dẫn cho Nhân dân khu vực bị ngập lụt các biện pháp vệ sinh như: vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt.
Bác sĩ Đặng Văn Năm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Văn Quan cho biết: Ngay sau khi mưa lũ gây ngập úng trên địa bàn, đơn vị đã chủ động thành lập các tổ cấp cứu, tổ xử lý dịch, tổ vệ sinh môi trường và giao nhiệm vụ cụ thể cho các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ trên. Tính đến ngày 16/5, các đơn vị y tế đã tổ chức phun khử khuẩn cho gần 20 gia đình, 1 trạm y tế, 1 trường mầm non, phun khử khuẩn khu vực ngập úng tại bệnh viện. Đồng thời, các tổ tuyên truyền đã tổ chức tuyên truyền cho 264 lượt người về cách xử lý vệ sinh môi trường sau ngập lụt để hạn chế các dịch bệnh có thể phát sinh.
Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.800 căn nhà bị ngập nước, trong đó, riêng huyện Chi Lăng đã có hơn 1.300 căn nhà bị ngập. Bên cạnh việc lau dọn nhà cửa, xử lý môi trường, việc đảm bảo cho Nhân dân có nước sạch để sử dụng đã được các lực lượng và đơn vị y tế cơ sở quan tâm. Đơn cử như tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, đợt ngập lụt vừa qua đã có 409 nhà bị ngập, 190 giếng khơi, giếng đào bị ảnh hưởng. Công tác xử lý nước sạch cho người dân được đơn vị y tế cơ sở tiến hành khẩn trương, liên lục.
Bác sĩ Đỗ Thu Hương, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Đồng Mỏ , huyện Chi Lăng cho biết: Sau khi rà soát số giếng khơi, giếng đào bị ảnh hưởng, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế thôn bản trực tiếp xuống địa bàn cấp phát CloraminB để vệ sinh nhà cửa và khử trùng nguồn nước cho tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, các nhân viên y tế thôn bản chủ động hướng dẫn cách sử dụng và tuyên truyền cách sinh hoạt, ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, phòng chống dịch cho từng hộ dân. Qua đó, mỗi người dân có ý thức và chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Với những nỗ lực của đội ngũ y tế cùng các lực lượng liên quan, tính đến ngày 18/5, việc lau dọn, vệ sinh nhà cửa của hơn 1.800 căn nhà đã cơ bản hoàn thành, số giếng đào, giếng khơi ảnh hưởng do ngập lụt đã được xử lý và Nhân dân vùng lũ đã sử dụng nước đảm bảo vệ sinh. Để đảm bảo kiểm soát không để dịch bệnh có thể phát sinh, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo đội ngũ y tế cơ sở tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các khu vực bị ngập úng để đảm bảo sẵn sàng xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh có cơ hội bùng phát và lây lan.
Trước những diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh truyền nhiễm và sự biến đổi của khí hậu có thể gây ra mưa lũ, trong thời gian tới, bên cạnh sự chủ động của ngành y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng.
Ý kiến ()