Ngành y tế Thái Lan đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực
Bộ Y tế Thái Lan đang rất lo ngại trước tình trạng nhiều bác sĩ, y tá trong các bệnh viện công phải làm việc quá tải do thiếu hụt nguồn nhân lực. Bộ này kêu gọi Chính phủ Thái Lan tăng ngân sách và bổ sung thêm biên chế để giải quyết vấn đề.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện công Khon Kaen, tỉnh Khon Kaen. (Ảnh: Bưu điện Bangkok) |
Theo tờ Bưu điện Bangkok, một báo cáo mới đây cho thấy, nhiều bác sĩ trẻ ở Thái Lan, mặc dù chỉ mới vào làm việc cho chính phủ một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc do không thể chịu được khối việc công việc quá nặng nề. Bản báo cáo dẫn lời diễn viên Noppasorn “Puimek” Veerayuthawilai, người tốt nghiệp khoa Y Trường ĐH Rangsit, nói rằng sau 6 năm học hành chăm chỉ, cô tưởng mình đã hoàn tất ước mơ trở thành một bác sĩ.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn làm việc trong một bệnh viện công của Chính phủ, cô đã xin nghỉ việc. Diễn viên này cho biết khối lượng công việc mà cô phải xử lý quá nặng nề khiến cô không thể tiếp tục và xin nghỉ việc.
Phản hồi những thông tin trong báo cáo này, Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, Bí thư thường trực Bộ Y tế Thái Lan ngày 6/6 thừa nhận, hiện ngành y tế Thái Lan đang thiếu hụt rất nhiều y, bác sĩ và muốn tuyển dụng thêm. Tuy nhiên, số lượng biên chế mà bộ được phép tuyển dụng còn phụ thuộc vào Chính phủ và Ủy ban Dịch vụ dân sự.
Ông Opas cho biết, nhu cầu của người dân Thái Lan đối với các dịch vụ y tế công tương đối cao, đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid-19, nhưng Bộ Y tế Thái Lan chỉ có một số lượng nhân lực hạn chế. Ông cảm ơn Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn 45.000 vị trí việc làm mới cho ngành y tế để đối phó với sự bùng phát của đại dịch nhưng cho rằng vẫn cần bổ sung thêm nữa.
Ngoài vấn đề thiếu hụt nhân lực, ngành y tế Thái Lan còn gặp phải vấn đề về việc phân bổ ngân quỹ cho Văn phòng Bảo hiểm y tế quốc gia, nơi cung cấp bảo hiểm y tế cho toàn dân. Cơ quan này cần được cấp nhiều ngân sách hơn để đáp ứng số lượng người sử dụng dịch vụ y tế vốn đang ngày một gia tăng.
Theo ông Opas, tất cả những việc này đều ngoài tầm kiểm soát của Bộ Y tế Thái Lan. Ông cho biết, Bộ Y tế Thái Lan đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”, thí dụ như tăng phụ cấp làm thêm giờ, xây dựng nhà cho nhân viên và cung cấp nhiều phúc lợi tốt hơn cho các nhân viên trong ngành. Tất cả các cục trong Bộ Y tế Thái Lan đã được yêu cầu bảo đảm cung cấp đầy đủ phúc lợi và không giao khối lượng công việc quá nặng cho nhân viên.
Vấn đề làm việc quá tải là vấn đề khó giải quyết nhất, chủ yếu là cho thiếu hụt nhân lực. Việc phân bổ nguồn ngân sách lớn hơn cũng như nâng trần về số lượng nhân viên sẽ giúp giải quyết vấn đề.
Ý kiến ()