LSO-Ngày 25/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.Ngay sau khi có Nghị định 43 và Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 24/1/2008 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu cụ thể hóa áp dụng vào đơn vị mình. Với số đơn vị đông (11 Trung tâm y tế tuyến huyện; 17 bệnh viện, trung tâm, chi cục, nhà trường), các đơn vị có điều kiện rất khác nhau về quy mô, trình độ quản lý, chuyên môn cũng như tiềm lực. Mặt khác, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác y tế nói riêng ở Lạng Sơn vẫn còn mang nặng tư tưởng bao cấp, tính trông chờ ỷ lại vào nhà nước, nên những người đứng đầu các đơn vị chưa phát huy hết “quyền” của mình, chưa mạnh dạn dám nghĩ, dám làm. Nhìn chung, trong 4 lĩnh vực...
LSO-Ngày 25/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngay sau khi có Nghị định 43 và Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 24/1/2008 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu cụ thể hóa áp dụng vào đơn vị mình. Với số đơn vị đông (11 Trung tâm y tế tuyến huyện; 17 bệnh viện, trung tâm, chi cục, nhà trường), các đơn vị có điều kiện rất khác nhau về quy mô, trình độ quản lý, chuyên môn cũng như tiềm lực. Mặt khác, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác y tế nói riêng ở Lạng Sơn vẫn còn mang nặng tư tưởng bao cấp, tính trông chờ ỷ lại vào nhà nước, nên những người đứng đầu các đơn vị chưa phát huy hết “quyền” của mình, chưa mạnh dạn dám nghĩ, dám làm. Nhìn chung, trong 4 lĩnh vực được thực hiện “quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế, các đơn vị đều đã tiến hành triển khai. Các giải pháp thực hiện chủ yếu là sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện tiết kiệm, phòng chống lãng phí… Điều nổi bật là các đơn vị đã ứng dụng tin học trong quản lý và chuyên môn. Đến nay tất cả các trung tâm, bệnh viện, chi cục, nhà trường trực thuộc ngành đã đưa tin học vào công tác quản lý, điều hành và chuyên môn. Nhờ đưa nhanh tin học vào hoạt động, mà bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn đã giảm bớt được nhân viên; sự liên thông giữa Khoa khám bệnh với các khoa điều trị; việc đón nhận cũng như thanh toán viện phí theo các kênh tự nguyện và BHYT được thông thoáng. Vừa rút ngắn thời gian làm việc hành chính, dành nhiều cho chuyên môn, vừa tạo sự minh bạch, phòng chống có hiệu quả các tiêu cực nảy sinh.
|
Bộ phận đón tiếp bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn luôn tận tình hướng dẫn người bệnh |
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc các đơn vị đều cho rằng khi thực hiện “quyền” của mình trong xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm, trong đó số lượng, chất lượng, cơ cấu, thời gian sử dụng…được người đứng đầu chủ động lập và trình cấp trên phê duyệt. Vì vậy, khi tuyển dụng đảm bảo được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của đơn vị; không còn tình trạng cấp trên “cho” người nào được người ấy, cấp dưới phải vì người mà bố trí việc…Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cũng được thực hiện một cách chủ động hơn dựa vào đặc điểm công việc và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của đơn vị mình. Thành công nhất tại một số đơn vị vẫn là việc thực hiện liên doanh liên kết với các tổ chức cá nhân trong việc đầu tư trang thiết bị y tế, triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu KCB chất lượng cao trong nhân dân. Bằng con đường này, đến nay các đơn vị đã huy động gần 11 tỷ đồng, mua sắm 25 máy móc và thiết bị y tế các loại; trong đó có nhiều kỹ thuật mới đắt tiền như máy chụp cắt lớp, siêu âm màu 4D, máy chạy thận nhân tạo… và xây dựng 30 phòng điều trị theo yêu cầu. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, BV Y học cổ truyền, các Trung tâm y tế Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình.
Sau 3 năm triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, theo thống kê, toàn ngành đã có 1 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, hệ số thu nhập tăng thêm 1-2 lần là Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế; có 3 đơn vị tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trường CĐ Y tế và 4 đơn vị tuyến huyện là Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, hệ số thu nhập tăng thêm dưới 1 lần. Như vậy, có thể nói, trừ Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế (đơn vị đặc thù), những đơn vị nào có tiềm lực, vận dụng thực hiện tốt Nghị định 43 và hướng dẫn của Sở Y tế trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa, thì đơn vị ấy có trang thiết bị hiện đại phục vụ KCB, giảm áp lực thiếu trang thiết bị, chất lượng KCB được nâng cao cùng với tăng thu, cải thiện đời sống cán bộ nhân viên. Tuy vậy, việc thực hiện Nghị định 43 đối với ngành y tế còn nhiều hạn chế do các đơn vị có quy mô nhỏ, chưa đủ sức về mặt bằng; phòng ốc, nhân lực và nhất là đời sống nhân dân trên địa bàn còn nghèo chưa tiếp cận được với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nên vẫn chưa thể vươn lên được.
Sự cần thiết phải có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội vào công tác y tế như thuế, đất đai, vốn vay… đối với cơ sở y tế ngoài công lập; tạo sự cạnh tranh bình đẳng theo tính chất “nắm tay nhau” cùng tiến. Có như vậy, ngành y tế mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Minh Hồng
Ý kiến ()