Ngành y tế Lạng Sơn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
LSO-Bước vào năm 2014, trong bối cảnh chung, ngành y tế Lạng Sơn tiếp tục hoạt động trong điều kiện khó khăn; bên cạnh đó là tình hình diễn biến phức tạp của các bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, nguy cơ về an toàn thực phẩm luôn đe doạ tới sức khỏe người dân...
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, ngành y tế đã nêu cao tinh thần chủ động và tích cực nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu về y tế được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; khắc phục khó khăn tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành đạt kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, tạo cơ sở cho phát triển sự nghiệp bền vững:
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, Hội CTĐ, Báo Tiền Phong thường trú tại Lạng Sơn thăm, tặng quà động viên người bệnh – Ảnh: BT |
Trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xuất hiện các bệnh dịch nguy hiểm (Ebola, Mers-coV, dịch hạch, cúm A (H7N9, H5N8…) trong khi bệnh tay- chân- miệng xảy ra rải rác nhiều nơi trong tỉnh, công tác phòng chống dịch bệnh đã được tăng cường chỉ đạo với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành tham gia phòng chống dịch, tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các ca bệnh, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Các bệnh dịch khác đều được giám sát chặt chẽ, tỷ lệ mắc một số bệnh dịch giảm nhiều so với năm trước (giảm từ 30-70%), không có tử vong do bệnh dịch mặc dù Lạng Sơn là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.
Công tác an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, không có vụ ngộ độc thực phẩm xẩy ra. Qua thanh, kiểm tra số cơ sở đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm tỷ lệ 88,7%, tăng nhiều so với năm trước, các vi phạm đã giảm đáng kể, không phát hiện vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Mặc dù năm 2014, kinh phí cho chương trình mục tiêu quốc gia về y tế giảm 50%, song với sự nỗ lực tổ chức thực hiện của các đơn vị, các chương trình vẫn đạt được kết quả tích cực: Công tác tiêm chủng mở rộng đủ 8 loại vac- xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ 98,1%, tăng 2,5% so năm 2013; các chỉ số về chăm sóc sức khoẻ sinh sản đều tăng, tỷ lệ phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ 99,3%, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế 97,4%, tăng 7,4%. Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên cả 3 tiêu chí: số nhiễm HIV mới giảm 18,6%, số chuyển sang giai đoạn AIDS giảm 42,8%; tử vong do AIDS và liên quan giảm 8%. Tình hình sốt rét trong toàn tỉnh ổn định, không có dịch sốt rét xảy ra và không có tử vong do sốt rét. Chương trình quản lý và chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng tiếp tục được duy trì, quản lý chăm sóc và điều trị 100% số bệnh nhân được phát hiện. Công tác phòng chống lao tiếp tục được duy trì và củng cố, 100% số bệnh nhân lao phát hiện đều được quản lý và điều trị theo quy định của chương trình. Công tác phòng chống phong duy trì được kết quả thanh toán phong, 100% số bệnh nhân phong được quản lý, giám sát không phát hiện bệnh nhân phong mới.
Mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến tiếp tục được củng cố, phát triển trên cả về quy mô, năng lực hoạt động và tinh thần, thái độ phục vụ; năm 2014 đạt tỷ lệ 24,8 giường bệnh/1vạn dân, tăng 1,2 giường/1vạn dân. Các bệnh viện đã bố trí thêm 190 giường ngoài kế hoạch để chống quá tải bệnh viện; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được ứng dụng thành công trong chẩn đoán, điều trị bệnh ở các tuyến; tỷ lệ chuyển viện và tỷ lệ tử vong giảm nhiều so với những năm trước. Quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh được chấn chỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định 1313/QĐ–BYT, nâng cao chất lượng chẩn đoán, năng lực cấp cứu, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; triển khai thực hiện quy tắc ứng xử rộng rãi trong các đơn vị, nâng cao giáo dục đạo đức nghề nghiệp; đơn thư phản ánh về tinh thần thái độ của nhân viên y tế giảm nhiều.
Công tác đảm bảo thuốc và vật tư y tế kịp thời, chất lượng thuốc đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh cho các tuyến trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu cho tuyến xã, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại tuyến cơ sở. Công tác quản lý chất lượng thuốc được tăng cường, đã tổ chức tốt việc thông tin, giám sát, kiểm tra thuốc lưu hành trong các cơ sở khám chữa bệnh và trên thị trường; trong năm không phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Hoàn thành cấp chứng chỉ hành nghề cho 14/14 đơn vị khám chữa bệnh, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường trong toàn tỉnh, thực hiện đúng lộ trình quy định của Bộ Y tế. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân được cải thiện, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân. Đến nay, đạt tỷ lệ 87% xã có bác sỹ, 100% xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 98% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Cơ sở vật chất-kỹ thuật ngành y tế được tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp trang thiết bị y tế được bổ sung tạo điều kiện phát triển các kỹ thuật y tế, giúp cho người dân tiếp cận các kỹ thuật y tế có chất lượng tốt hơn. Đến nay, 10 bệnh viện huyện được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ đã bàn giao đưa vào sử dụng. Các công trình bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 700 giường, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng… Công tác giải quyết đơn thư được thực hiện thời, đúng theo trình tự qui định của pháp luật, không có đơn thư tồn đọng.
Tuy nhiên, đến nay ngành, y tế vẫn tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, đó là: Mạng lưới y tế cơ sở hạn chế cả về quy mô, đội ngũ cán bộ và chất lượng hoạt động. Mạng lưới y tế dự phòng phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, cơ cấu chưa hợp lý. Một số cán bộ còn kém về năng lực chuyên môn, y đức, tinh thần, thái độ phục vụ. Chất lượng khám chữa bệnh còn những mặt hạn chế so với yêu cầu, nhất là tuyến cơ sở chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở vùng xa, vùng sâu, người nghèo chưa tốt. Công tác xã hội hoá bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế, tư tưởng bao cấp vẫn còn, chưa phát động và huy động được sự đóng góp về trí tuệ, công sức và tiền của xã hội cho phát triển sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Năm 2015, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nên nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi ngành y tế phải có những nỗ lực rất lớn để đáp ứng kịp thời những yêu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Vì vậy, toàn ngành cần tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới y tế dự phòng các tuyến, tích cực và chủ động trong công tác giám sát dịch, phát hiện và khống chế, không để dịch xảy ra, không có tử vong do bệnh dịch. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm và thực phẩm nhập khẩu, không để xẩy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp cho người dân kiến thức y học thường thức và kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh dịch, về an toàn vệ sinh thực phẩm… để nâng cao sức đề kháng của cộng đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; trước hết là nêu cao tinh thần phục vụ người bệnh, đẩy nhanh ứng dụng kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng khám và điều trị, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất.
Tiếp tục đổi mới cách thức thực hiện Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” sát với nhu cầu của cơ sở, thực hiện hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật hiệu quả cho tuyến dưới. Xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh cho cả Bệnh viên đa khoa tỉnh với các bệnh viện, tuyến huyện.
Bảo đảm thuốc và vật tư y tế cho công tác phòng và chữa bệnh. Nâng cao khả năng của hệ thống kiểm nghiệm thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc. Tham gia làm tốt công tác quản lý giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn. Tăng cường đào tạo nhân lực y tế có trình độ chuyên môn giỏi phù hợp với yêu cầu cả về y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, chú trọng đào tạo cán bộ quản lý ngành, cán bộ kỹ thuật có khả năng sử dụng và sửa chữa các trang thiết bị y tế hiện đại. Có chế độ khuyến khích cán bộ đi công tác tại các vùng có nhiều khó khăn. Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống y tế xã, đẩy nhanh thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới; cải thiện chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cộng đồng, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại xã, giảm bớt gánh nặng cho người dân và góp phần giảm tình trạng quá tải tại các tuyến trên.
Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân là sự nghiệp vẻ vang và nặng nề, là trách nhiệm của toàn xã hội, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mỗi người dân trong đó ngành y tế giữ vai trò “nòng cốt”. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân không chỉ là sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế mà cần đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền; sự tham gia phối hợp của các ngành, tổ chức, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ, tham gia của các tầng nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Bs. Thầy thuốc ưu tú. Hoàng Đình Hoàn, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ
Ý kiến ()