Ngành y tế Hàn Quốc chật vật vượt khủng hoảng
Hơn một tháng trôi qua kể từ khi làn sóng đình công của các bác sĩ bắt đầu bùng phát nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, Chính phủ Hàn Quốc đang khẩn trương tìm cách xử lý “cơn bão” khủng hoảng y tế, trong đó có những biện pháp cứng rắn, khi tình trạng hỗn loạn có dấu hiệu lan sang các lĩnh vực khác.
Truyền thông Hàn Quốc nhận định, giữa lúc cuộc khủng hoảng y tế chưa thể hạ nhiệt bởi chính phủ và cộng đồng y tế không đưa ra động thái nhượng bộ, thì bệnh nhân và các bệnh viện là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Yonhap, làn sóng đình công của các bác sĩ đã dấy lên mối lo ngại về “khoảng trống dịch vụ chăm sóc sức khỏe” tại quốc gia này.
Số ca phẫu thuật phải cắt giảm một nửa tại bệnh viện Severance ở trung tâm thủ đô Seoul, trong khi công suất hoạt động ở bệnh viện St.Mary ở phía nam Seoul giảm 30%. Nhiều bệnh nhân bày tỏ thất vọng và lo lắng về sự gián đoạn trong dịch vụ y tế, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Một số bệnh viện lớn đã buộc phải giảm bớt dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách hợp nhất các khoa riêng biệt hoặc thu hẹp quy mô hoạt động của các khoa.
Cách đây hơn một tháng, ngày 19/2/2024, hơn 9.000 bác sĩ tập sự tại các bệnh viện trên toàn Hàn Quốc đã đồng loạt nộp đơn xin thôi việc để phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y hằng năm thêm 2.000 người. Chính phủ khẳng định việc tăng số lượng bác sĩ là cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành y trong bối cảnh dân số già hóa nhanh.
Ước tính Hàn Quốc có khả năng thiếu đến 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Tuy vậy, giới bác sĩ lập luận rằng, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời khiến bệnh nhân phải chịu chi phí y tế cao hơn. Theo các bác sĩ, chính phủ nên tập trung cải thiện tiền lương đối với các bác sĩ chuyên khoa và bảo đảm pháp lý cho các bác sĩ trước những vụ kiện về sơ suất y tế. Đến nay, có hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự đã nghỉ việc trong làn sóng đình công.
Đáng nói là, căng thẳng y tế dần lan sang lĩnh vực đào tạo khi các giáo sư y khoa ở Hàn Quốc cũng phản đối kế hoạch gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học bằng cách xin nghỉ việc. Nhiều sinh viên tại các trường y không đến trường học để bày tỏ phản đối quyết định của chính phủ.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, 30 trường y đã phải hoãn khai giảng kỳ học mới. Quyết định từ chức của hàng loạt giáo sư y khoa khiến dư luận quan ngại sâu sắc. Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho rằng động thái nêu trên sẽ đe dọa tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân.
Nhiều biện pháp đã được giới chức đưa ra để ngăn cuộc khủng hoảng y tế leo thang và lan sang các lĩnh vực khác. Chính phủ kiên quyết giữ lập trường phản đối cuộc đình công đang diễn ra, buộc những người có hành vi sai trái phải chịu trách nhiệm. Bộ Y tế đã gửi thông báo về việc đình chỉ giấy phép hành nghề tới 4.900 bác sĩ thực tập tham gia đình công.
Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết chính phủ sẽ có các biện pháp giảm nhẹ đối với những bác sĩ trở lại làm việc trước khi các thủ tục hành chính đình chỉ giấy phép của họ hoàn tất. Để ứng phó tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, các y tá được phép mở rộng vai trò tại phòng cấp cứu của các bệnh viện lớn. Mới đây, chính quyền thành phố Seoul thông báo cung cấp hỗ trợ tài chính trị giá 3,1 tỷ won để các bệnh viện tư nhân có kinh phí thuê thêm nhân viên y tế làm việc trong các dịch vụ điều trị khẩn cấp.
Truyền thông cho rằng, đã đến lúc đại diện Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc và chính phủ cần có cuộc gặp trực tiếp, cởi mở để tháo gỡ mâu thuẫn, tìm tiếng nói chung. Cuộc khủng hoảng y tế, nếu không được giải quyết kịp thời, có thể để lại những hệ lụy lớn đối với đời sống xã hội.
Điều quan trọng nhất là cần bảo đảm hệ thống y tế hoạt động bình thường và dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân được thông suốt. Giới chuyên gia nhận định, để phát triển bền vững lĩnh vực y tế, Chính phủ Hàn Quốc cũng cần đưa ra những giải pháp khuyến khích các bác sĩ gắn bó lâu dài với nghề y, ngành nghề vốn nhiều áp lực và vất vả.
Ý kiến ()