Ngành y tế đột phá hiện đại hóa
(LSO) – Hai năm gần đây, ngành y tế có những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa hành chính. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều hành và quản lý khám, chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020, từ đầu giai đoạn, ngành y tế tỉnh đã triển khai ứng dụng một số hệ thống, phần mềm công nghệ thông tin như: hệ thống văn phòng điện tử -eOffice, phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm kế toán MISA. Từ năm 2017 đến nay, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành, khám, chữa bệnh được toàn ngành triển khai, thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ với nhiều hệ thống, phần mềm phù hợp, hiệu quả hơn. Nếu từ năm 2011 đến 2017, toàn ngành chỉ ứng dụng được 3 hệ thống CNTT thì chỉ trong 2 năm từ 2017 đến nay, ngành y tế đã trang bị và sử dụng hiệu quả nhiều hệ thống, phần mềm CNTT bao gồm phần mềm: quản lý và thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế liên thông tuyến tỉnh – huyện – xã; kiểm soát kê đơn và bán thuốc tại 133 cơ sở y dược; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; đấu thầu thuốc và bệnh án điện tử; quản lý tiêm chủng cá nhân; báo dịch; quản lý bệnh nhân điều trị Methadone tại 8 cơ sở cấp phát thuốc và điều trị; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; quản lý văn bản điện tử VNPT – Ioffice giữa sở với 23 đơn vị trực thuộc; hệ thống camera giám sát tại gần 100% bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện; sử dụng chữ ký số, chứng thư số để số hóa văn bản tại Sở Y tế…
Công chức Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế theo dõi thông tin cập nhật trên phần mềm thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế thông tuyến tỉnh – huyện – xã.
Bác sỹ Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Trong 2 năm gần đây, các hệ thống, phần mềm được trang bị, đưa vào ứng dụng trong đơn vị đều phát huy hiệu quả cao. Ví dụ từ đầu năm 2019, nhờ có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến mà lãnh đạo đơn vị không cần mất công sức, thời gian, chi phí đi lại đến Sở Y tế để dự họp. Thành phần dự cũng được mở rộng hơn đến cán bộ phụ trách công tác y tế của huyện, lãnh đạo các khoa, đội của trung tâm và lãnh đạo trạm y tế cấp xã, phòng khám đa khoa khu vực.
Không chỉ với cơ quan y tế mà người dân cũng được hưởng lợi từ việc ứng dụng CNTT của ngành. Cụ thể từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế đã đẩy mạnh triển khai, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2, 3, 4 vào giải quyết TTHC. Hiện tại, sở đã có 146/158 TTHC thuộc thẩm quyền được thực hiện qua hệ thống DVCTT và một cửa điện tử gồm: 3 DVCTT mức độ 4, 25 DVCTT mức độ 3, 118 DVCTT mức độ 2. Qua đây, người dân có thể tra cứu thông tin TTHC, tải tờ khai, đơn đề nghị, nộp hồ sơ qua mạng khi thực hiện một số TTHC liên quan đến lĩnh vực y, dược… Chị Hoàng Thị Duyên, khu Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Tôi đang thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Nhờ tra cứu qua DVCTT, tôi biết các thông tin về quy trình giải quyết và có thể tải về đơn đề nghị. Như vậy rất tiện lợi bởi có thể biết chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ chỉ việc gửi qua bưu điện đến Trung tâm Phục vụ hành chính công thay vì cất công đi từ nhà ra tỉnh.
Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý, điều hành và phục vụ tốt hoạt động khám, chữa bệnh, tạo môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại trong ngành y tế tỉnh. Có được kết quả như vậy là do từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cũng được thực hiện đồng bộ, phù hợp hơn, không còn lẻ tẻ, manh mún như trước.
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT với mục tiêu cơ quan, cán bộ y tế và người dân cùng hưởng lợi. Để việc ứng dụng CNTT được hiệu quả, sở và các đơn vị trực thuộc sẽ quan tâm bố trí kinh phí trang bị, đầu tư, lắp đặt hạ tầng cơ sở. Gắn với việc ứng dụng là thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, chống virus, mã độc hại cho hệ thống mạng, máy tính cá nhân và sao lưu dự phòng dữ liệu.
Ý kiến ()