Ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
– Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực trong toàn bộ hoạt động y tế, mang đến nhiều lợi ích về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Toàn ngành y tế hiện có 4 bệnh viện tuyến tỉnh; 11 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, thành phố; 200 trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và hơn 700 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Trước đây, các đơn vị đã thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ công tác quản lý, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Từ sau khi có Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành y tế đã từng bước triển khai chuyển đổi số (CĐS) kết hợp ứng dụng CNTT trong toàn ngành.
Cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hội chẩn trực tuyến với Trung tâm Y tế Hữu Lũng qua hệ thống Khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth)
Theo đó, ngành y tế đã triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số theo từng năm, từng giai đoạn. Đơn cử năm 2022, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-SYT ngày 17/5/2022 về “Chuyển đổi số Sở Y tế Lạng Sơn năm 2022” với nhiệm vụ chung của toàn ngành và chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện CĐS trong từng đơn vị.
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong 2 năm qua, để thực hiện chương trình CĐS trong ngành, Sở Y tế thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, người dân về bản chất, nội dung, tầm quan trọng của CĐS và ứng ụng CNTT trong lĩnh vực y tế. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các ứng dụng nền tảng số y tế cho hàng trăm cán bộ y tế… Đồng thời, Sở Y tế đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trong công tác thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi số. Qua đó, các đơn vị y tế trong ngành đã tích cực triển khai, sử dụng hiệu quả CNTT phục vụ hoạt động quản lý cũng như chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Để thực hiện chương trình CĐS, các đơn vị trực thuộc ngành đã đầu tư hàng tỉ đồng để mua sắm các trang thiết bị, các phần mềm, ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý, khám, chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ CNTT tại từng đơn vị được tăng cường và thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao kiến thức. Từ các nền tảng CNTT được xây dựng từ trước, nhiều đơn vị còn tự xây dựng phần mềm, ứng dụng dành riêng cho đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn…
Với nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, hoạt động CĐS và ứng dụng CNTT trong ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, 100% đơn vị trực thuộc (kể cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn) đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice; tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, 11 TTYT huyện, thành phố vận hành và sử dụng hiệu quản hệ thống Khám chữa bệnh từ xa (TelehHealth); 100% bệnh viện tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện, thành phố triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% bệnh viện và TTYT huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện HIS, LIS và đang trong lộ trình triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS; 100% cơ sở hành nghề y, dược sử dụng nền tảng số kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu dược Quốc gia; 98,6% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử…
Bác sĩ Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện đơn vị đang vận hành các nền tảng, phần mềm quản lý cho bệnh viện như: HIS, PACS, LIS. Thường xuyên sử dụng nền tảng TeleHealth để hội chẩn với tất cả các TTYT tuyến huyện và với các bệnh viện lớn tuyến Trung ương. Ngoài ra, đơn vị còn tự xây dựng, sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng dành riêng cho đơn vị như: ứng dụng giao ban, phần mềm quản lý đảng viên, phần mềm đào tạo và chỉ đạo tuyến, phần mềm theo dõi thi đua khen thưởng… Các khoa, phòng tại đơn vị đã hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giai đoạn 1, hướng tới xây dựng bệnh viện số (giai đoạn 2) không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến khám và điều trị.
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh CĐS, ứng dụng CNTT để hướng tới sự thay đổi tích cực, toàn diện trong hoạt động quản lý, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện cho Nhân dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Ý kiến ()