Ngành y tế đã đạt, vượt 8/9 chỉ tiêu do Chính phủ giao
Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận cho biết, trong năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Chiều 20/12, Bộ Y tế có buổi gặp mặt báo chí, cung cấp các thông tin về công tác của ngành y tế năm 2024 và phương hướng năm 2025.
Theo Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận, trong năm 2024, ngành y tế đã đạt, vượt 8/9 chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực do Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; cùng đó, ngành tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Trong năm 2024, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế; Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới; trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định của Chính phủ, 11 Quyết định và 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế ban hành theo thẩm quyền 43 Thông tư.
Trong đó, các chủ trương, định hướng cho phát triển ngành y tế trong trung và dài hạn được ban hành như chiến lược, quy hoạch ngành y tế đến năm 2030, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới…
Bên cạnh đó, nhiều văn bản, chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế…
Đối với thiết bị, vật tư y tế, số lượng số lưu hành được cấp đã chuyển biến rõ rệt qua các năm: năm 2022 là 354 số, năm 2023 là 2.001 số và từ đầu năm 2024 đến nay là 3.147 số; hiện nay có trên 78.900 (với hơn 100.000 chủng loại) giấy phép nhập khẩu và số lưu hành đang còn hiệu lực, đảm bảo cung cấp cho thị trường và các cơ sở y tế.
Theo Thứ trưởng Y tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII; xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Chính phủ Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Y tế trên cơ sở tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, tiếp nhận quản lý nhà nước về: Bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang, dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Y tế theo phương án sắp xếp.
Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia Dân số và phát triển.
Đồng thời, ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế cấp huyện.
Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030; Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế; Đề án thành lập Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Trung ương; Nghị định của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn; Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế cấp xã...
Theo Bộ Y tế, ngành y tế đã thực hiện bước đầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế phê duyệt và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng 2050.
Xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo.
Từng bước tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực y tế tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thông qua đào tạo, đưa bác sĩ trẻ về vùng khó. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nghiên cứu sửa đổi quy định phụ cấp ưu đãi theo nghề; một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập; chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, trong năm 2024, dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Về rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế, đến nay, đã triển khai 76/163 phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh đã được Chính phủ phê duyệt; công bố 68 thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế; hoàn thành thực thi 35/69 thủ tục hành chính (đạt 50,7%) theo phương án phân cấp thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế; thực hiện đơn giản hóa giấy tờ công dân đối với 54/73 thủ tục hành chính; công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và đang áp dụng 394 thủ tục hành chính, giảm 94 thủ tục hành chính so với kỳ báo cáo năm 2023.
Ý kiến ()