Ngành y tế chủ động, tích cực trong phòng, chống cúm A/H7N9
LSO-Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 xảy ra tại Trung Quốc, trong những ngày đầu tháng 4/2013, với tinh thần chủ động, tích cực, ngành y tế đã tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phòng ngừa và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
LSO-Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 xảy ra tại Trung Quốc, trong những ngày đầu tháng 4/2013, với tinh thần chủ động, tích cực, ngành y tế đã tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phòng ngừa và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Đội Y tế dự phòng các huyện, thành phố trong đợt diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) tháng 11/2012 |
Ngay sau khi có Công điện của Bộ Y tế về việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 trên người và Công văn số 205, ngày 5/4/2013 của Sở Y tế Lạng Sơn, các đơn vị trực thuộc đã tiến hành xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2013. Trong đó, tăng cường giám sát, điều trị các bệnh truyền nhiễm mùa hè; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, xây dựng phương án phòng chống dịch tại địa phương, chuẩn bị hóa chất, thuốc men, trang thiết bị chuyên môn và trang bị phòng hộ đáp ứng tình huống khi có dịch xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã chỉ đạo và tăng cường hoạt động giám sát, nhằm phát hiện sớm ca bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng. Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, do dịch cúm A (H7N9) xuất phát từ Trung Quốc và chưa có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người nên Trung tâm đặc biệt lưu ý khu vực biên giới, khu vực chăn nuôi gia cầm tập trung, các chợ buôn bán gia cầm phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y, Chi cục Kiểm dịch động vật, thực vật trong việc nắm tình hình. Từ Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang… đến với nước ta theo đường bộ thì xa nhưng đối với các loài chim mang mầm bệnh thì khoảng cách ấy chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, không chỉ ở biên giới, mà ngay trong nội địa, Trung tâm sẽ rất quan tâm đến việc lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm phổi ở các địa phương trong tỉnh để gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân; giám sát các trường hợp tiếp xúc với người bệnh, xử lý kịp thời từ các ca bệnh mới để phát hiện, tránh lây lan ra cộng đồng.
Là địa phương có nhiều cửa khẩu quốc gia và quốc tế, ngành y tế Lạng Sơn luôn đứng ở vị trí tiên phong trong việc ngăn chặn, xử lý các loại dịch bệnh nguy hiểm mang tính chất “xuyên quốc gia”. Từ chương trình phòng chống bệnh SARS, cúm A H5N1, H1N1 những năm trước đây và do được diễn tập khá thường xuyên nên Lạng Sơn đã có nhiều kinh nghiệm quý về công tác phòng và chống. Nay sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch cúm A H7N9 với sự tự tin của mình. Theo đó, ngành đã “khởi động” lại các trang thiết bị và cơ sở vật chất như các máy móc, các phòng cách ly tạm thời, phương tiện vận chuyển; kiểm tra lại các loại vật tư hóa chất, thuốc Tamiflu, trang bị phòng hộ. Qua đợt kiểm tra của Cục YTDP- Bộ Y tế ngày 6/4 vừa qua, sự chuẩn bị của Lạng Sơn được đánh giá là chu đáo, đáp ứng được những diễn biến của tình hình. Trước nguy cơ dịch bệnh từ Trung Quốc vào Việt Nam, công tác kiểm dịch y tế quốc tế được đặc biệt quan tâm. Làm việc với chúng tôi, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế cho biết, với lưu lượng từ 700-1100 khách nhập cảnh mỗi ngày gồm nhiều quốc tịch khác nhau, để có thể giám sát được bệnh dịch, hoạt động của các máy đo thân nhiệt ở cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và ga Đồng Đăng luôn được duy trì với trạng thái hoạt động tốt. Trung tâm đã lập kế hoạch giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời để khám sàng lọc, chuẩn bị tốt phòng cách ly tạm thời và phương tiện vận chuyển nhanh để có thể đưa người nghi nhiễm đến khu vực cách ly là Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng, Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Thanh. Chặt chẽ trong khâu kiểm soát người xuất nhập cảnh, song vẫn tạo sự thông thoáng về các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho khách quốc tế, điều đó đòi hỏi các cán bộ ở mỗi trạm kiểm dịch y tế quốc tế phải có sự tận tâm, chu đáo, cởi mở và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nước về xuất nhập cảnh.
Song song với công tác giám sát, chuẩn bị, ngành y tế chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng, cập nhật thông tin, nhằm cung cấp cho người dân những thông tin hữu ích về đặc điểm, con đường lây truyền và cách phòng tránh, để mỗi người dân nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng lo sợ hoặc chủ quan. Cúm A/H7N9 trước đây vẫn tồn tại trên gia cầm, song mới lây sang người, nên gọi là loại bệnh mới. Do độc lực cao, lây truyền nhanh nên số người mắc ở Trung Quốc ngày càng nhiều và tỷ lệ tử vong cao. Trước mắt, ngành y tế khuyến cáo công tác vệ sinh thân thể là quan trọng, đặc biệt là rửa tay kỹ trước và sau khi ăn. Tuyệt đối không tiếp xúc, vận chuyển, nuôi nhốt, làm thịt và ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là gà thải loại của Trung Quốc; khi có triệu chứng sốt, ho, viêm phổi cần đến các cơ sở y tế để được theo dõi, phát hiện kịp thời.
MINH HỒNG
Ý kiến ()