Ngành y tế: Chủ động phòng chống bệnh dịch hạch
LSO - Thực hiện Công văn số 8808-BYT-DP, ngày 4/12/2014 của Bộ Y tế và Văn bản chỉ đạo số 1316/UBND-VX, ngày 10/12/2014 của UBND tỉnh, các đơn vị chức năng của ngành y tế đã tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch hạch.
Cán bộ Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế trực phòng chống dịch tại của khẩu Hữu Nghị
Tăng cường các biện pháp kiểm tra tại các cửa khẩu Công tác kiểm tra, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm nói chung và dịch hạch nói riêng vẫn được Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế thực hiện thường xuyên. Là địa phương có nhiều cửa khẩu quốc gia và quốc tế, từ nhiều năm nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đặt 2 cửa khẩu là Hữu Nghị và Tân Thanh là nơi giám sát trọng điểm bệnh dịch hạch. Bằng cách xác định mật độ chuột, loài chuột trên hàng hóa và phương tiện vận tải cũng như trên địa bàn; lấy mẫu nội tạng chuột gửi về Trung tâm xét nghiệm để so sánh, kiểm tra, Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế đã phối hợp tốt với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có được những thông tin cập nhật và đầy đủ về nguồn có thể phát sinh dịch hạch, đảm bảo an toàn về y tế trên địa bàn 2 cửa khẩu này.
Triển khai Công văn của Bộ Y tế, sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, song song với duy trì chặt chẽ công tác giám sát ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A, Eboola, việc giám sát phát hiện dịch hạch tại khu vực cửa khẩu được Trung tâm chỉ đạo quyết liệt hơn. Theo đó, cán bộ của Trung tâm luôn “bám sát” các loại phương tiện chuyên chở hàng hóa nhập khẩu để phát hiện chuột, hoặc biểu hiện của chuột trú ngụ trong bao bì: chi tiết trong lô, thùng hàng hóa, máy móc (dấu hiệu gặm nhấm bao bì, hàng hóa, phân chuột trên phương tiện…), nếu phát hiện sẽ đưa vào khu vực quy định để tiến hành các bước tiêu độc, khử trùng hàng hóa và phương tiện… Làm việc với chúng tôi, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế cho biết: trước yêu cầu cấp bách của phòng chống dịch, ngày 12/12/2014, Trung tâm đã tổ chức tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ về quy trình, cách phát hiện và xử lý phương tiện hàng hóa nhập khẩu khi phát hiện dấu hiệu có chuột trú ngụ.
Tăng cường tuyên truyền cho cán bộ nhân viên, các cơ quan, người dân trên địa bàn về vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi trú ngụ của chuột, diệt chuột; phát hiện chuột chết bất thường ở khu vực, thông báo kịp thời cho Trung tâm để xem xét và lấy mẫu phân tích. Đẩy mạnh phòng dịch hạch khu vực nội địa Dịch hạch là lọai dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm, thế kỷ thứ XIV ở Châu Âu đã có hàng chục triệu người tử vong vì bệnh này và hiện nay đang xuất hiện tại một số nước như Madagascar, Mỹ và ngay cả Trung Quốc cũng đã có trường hợp mắc. Con đường lây truyền là bọ chét chích chuột bị bệnh, và nếu chích đốt người thì người sẽ bị lây bệnh. Bệnh dịch hạch lây từ người sang người bằng con đường hô hấp, nên tốc độ lây lan rất nhanh.
Dịch hạch là “bệnh” của một bộ phận dân cư nghèo từ thành thị đến nông thôn mà nơi trú ngụ của nó là những khu dân cư tạm- khu dân cư “ổ chuột” sau đó lây lan ra diện rộng. Vì vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra khu vực cửa khẩu, biên giới, phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu… cần có sự tuyên truyền trong người dân về sự nguy hiểm của bệnh dịch hạch; vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường để loại bỏ nơi trú ngụ của chuột, bọ chét. Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp thủ công, có cách phòng tránh bọ chét chích đốt; khi phát hiện chuột chết bất thường nên báo cho cơ quan y tế biết để lấy mẫu phân tích. Người dân nếu thấy sốt bất thường và có nổi hạch cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: từ nhiều năm nay, dịch hạch không xuất hiện ở nước ta, song chúng ta không thể chủ quan mà phải tăng cường kiểm soát, từ các kho tàng, chợ, các khu công nghiệp đến khu dân cư.
Theo đó, Trung tâm YTDP tỉnh chỉ đạo các đội YTDP thuộc Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường xuống địa bàn tuyên truyền phổ biến cho người dân mức độ nguy hiểm của bệnh dịch hạch; thực hiện vệ sinh môi trường, nhất là dọn vệ sinh nơi ở, nơi chứa lương thực; phát quang bụi cây, thực hiện vệ sinh trong chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi loại gậm nhấm như nhím, thỏ… Bác sĩ cũng khuyến cáo các khu vực có “nguy cơ cao” như khu vực cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ, các khu quy hoạch xây dựng còn trong tình trạng hoang hóa vì “đình, giãn, hoãn…” là nơi có nhiều chuột sinh sống.
Về phần mình, ngành y tế dự phòng đã có phương án để giám sát những khu vực mang tính trọng điểm như các chợ khu vực thành phố, thị trấn, khu vực cửa khẩu Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh… để phát hiện chuột cư trú; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm; chuẩn bị vật tư hóa chất phòng chống kịp thời. Liên hệ chặt chẽ với các bệnh viện, trung tâm y tế để lấy mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân sốt bất thường và nổi hạch để gửi xét nghiệm phát hiện kịp thời bệnh dịch hạch.
Bài, ảnh: Minh Hồng
Ý kiến ()