Ngành Xây dựng Lạng Sơn 55 năm xây dựng, phát triển
LSO - Cách đây 55 năm, ngày 29/4/1958 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá I đã ban hành quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay). Sự kiện quan trọng này là mốc son lịch sử đánh dấu bước khởi đầu quan trọng của ngành xây dựng nước ta trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành.
LSO – Cách đây 55 năm, ngày 29/4/1958 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá I đã ban hành quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay). Sự kiện quan trọng này là mốc son lịch sử đánh dấu bước khởi đầu quan trọng của ngành xây dựng nước ta trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành.
Từ ngày mới thành lập trong điều kiện đất nước có chiến tranh, ngành xây dựng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn vươn lên sớm ổn định và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Trong thời kỳ cả nước, hoà bình thống nhất, tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước ngành xây dựng đã góp phần quan trọng vào công cuộc kiến thiết đất nước, tăng cường xây dựng và phát triển ngành ngày càng vững mạnh về mọi mặt, trở thành một ngành có tổ chức khoa học, có trình độ quản lý tiên tiến và trình độ công nghệ hiện đại, đa dạng về ngành nghề, lực lượng cán bộ, công chức viên chức có trình độ chuyên môn cao và lao động có kỷ luật, có truyền thống thi đua lao động sản xuất hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Dự án Trung tâm dịch vụ quốc tế cửa khẩu Hữu Nghị Ảnh: CÔNG QUÂN |
Ngành Xây dựng Lạng Sơn hình thành và phát triển từ tiền thân là Ty Kiến trúc Lạng Sơn. Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, ngành xây dựng Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm đầu mới thành lập, chủ yếu tập trung thu hút, tập hợp lực lượng cán bộ, hình thành bộ máy hoạt động của Ty Kiến trúc, đồng thời tham mưu cho tỉnh về công tác xây dựng, tiến hành thiết kế, xây lắp một số công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội, đồng thời tiến hành tiếp nhận, phục hồi, tổ chức vận hành trở lại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng bị phá hoại do chiến tranh và tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, chuẩn bị các điều kiện cho triển khai kế hoạch đầu tư phát triển những năm tiếp theo.
Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh (từ khi thành lập đến 1975), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn ngành xây dựng Lạng Sơn tiếp tục sát cánh với các ngành, các cấp dốc sức vào nhiệm vụ sửa chữa, xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là thị xã Lạng Sơn và các huyện tuyến trước. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành đã tiến hành lập thiết kế Quy hoạch chung xây dựng thị xã Lạng Sơn làm cơ sở cho công tác quản lý và đầu tư phát triển đô thị. Giai đoạn 1976-1978 tỉnh Lạng Sơn sáp nhập với tỉnh Cao Bằng và lấy tên là tỉnh Cao Lạng, Ty Kiến trúc Lạng Sơn đổi tên là Ty Kiến trúc Cao Lạng có trụ sở tại thị xã Cao Bằng, hoạt động ngành xây dựng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều công trình mới được xây dựng trên thị xã Cao Bằng. Năm 1978 tách tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, UBND tỉnh đã thành lập Sở Xây dựng Lạng Sơn. Năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, các tỉnh biên giới và Lạng Sơn bị tàn phá nặng nề, ngành xây dựng đã cùng các ngành đã tích cực khắc phục khó khăn sửa chữa, phục hồi các công trình và cơ sở hạ tầng bị tàn phá do chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, xây dựng quy hoạch khu hậu cứ Đồng Bành, phối hợp với Bộ Xây dựng lập thiết kế xây dựng Quy hoạch chung thị xã Lạng Sơn, nhiều công trình quan trọng được đầu tư tại khu Đồng Bành đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Tại thị xã Lạng Sơn, các dự án cấp nước cho thị xã Lạng Sơn 10.000 m3/ngày, trường cấp 3 Việt Bắc, bệnh viện Lạng Sơn, Nhà máy gạch, xi măng … được đưa vào hoạt động góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội của tỉnh. Từ năm 1986 tới năm 2001, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chung xây dựng thị xã Lạng Sơn, quy hoạch chung một số thị trấn, cửa khẩu biên giới như Đồng Đăng, Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma. Đồng thời tham mưu cho tỉnh làm tốt chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị, phát triển vật liệu xây dựng (VLXD), thiết kế, thi công xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng tốt nhiệm vụ xây dựng trong giai đoạn đổi mới.
Giai đoạn 2001-2013, ngành xây dựng Lạng sơn tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức học tập các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động của tỉnh và ngành xây dựng, phối hợp với các ngành triển khai tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2010 trung bình đạt trên 10,5%, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 22%. Nhiệm vụ quản lý quy hoạch xây dựng được tăng cường, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành hoàn thành việc nâng cấp thị xã Lạng sơn đạt đô thị loại III và thành lập thành phố Lạng sơn, đã cơ bản hoàn thành các đồ án Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khâuẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn, Quy hoạch xây dựng các cửa khẩu và các Khu kinh tế thương mại biên giới, quy hoạch chi tiết các phường thành phố Lạng Sơn và quy hoạch chung các thị trấn và tích cực tham gia quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay đã cơ bản hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch chung các xã làm cơ sở cho công tác lập dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch. Công tác quản lý hoạt động xây dựng của các tổ chức và cá nhân được quan tâm, tăng cường theo hướng nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Công tác quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã bám sát quy hoạch đô thị, đến nay đã có 5 khu đô thị và 7 khu tái định cư được đầu tư, hạ tầng kỹ thuật đô thị được tăng cường đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Trên lĩnh vực quản lý sản xuất sản xuất vật liệu xây dựng, các tổ chức, cá nhân đã tuân thủ theo Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020; đã có 5 nhà máy gạch tuynel, 2 nhà máy xi măng Đồng Bành và xi măng Lạng Sơn đi vào sản xuất và hàng trăm cơ sở sản xuất VLXD khác đã cơ bản đáp ứng yêu cầu VLXD trên địa bàn. Đặc biệt trong nhiều năm qua, ngành xây dựng đã làm tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, đã kiểm tra, thanh tra hàng trăm công trình, kịp thời phát hiện những sai sót, kiến nghị các chủ đầu tư, nhà thầu chấn chỉnh các sai phạm trong xây dựng góp phần duy trì kỷ cương xây dựng. Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị có chuyển biến tích cực, các chủ thể hoạt động xây dựng cơ bản chấp hành nghiêm túc các văn bản quy định về quản lý đô thị, bộ mặt đô thị đang từng bước được chỉnh trang theo hướng văn minh, xanh, sạch, dẹp. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản, ngành xây dựng đã tham mưu cho tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, thực hiện công tác quản lý nhà ở theo Nghị định 61/NĐ-CP. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt 98,2 % với có 5882 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở.
Trong thời gian tới, ngành xây dựng Lạng Sơn tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng đô thị, hoàn thành quy hoạch vùng đô thị, triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, hoàn thành quy hoạch chi tiết các đô thị, tăng cường quản lý xây dựng đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc – quy hoạch; tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư xây dựng trong đó trọng tâm là quản lý đầu tư công, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Khai thác thế mạnh của tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng đáp ứng các yêu cầu xây dựng. Quan tâm triển khai thực hiện chương trình xử lý chất thải rắn và thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh, xây dựng môi trường đô thị phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng. Cùng đó, phối hợp với các ngành trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, thúc đẩy tiến độ các dự án. Tiếp tục tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , tiêu cực có hiệu quả, quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân .
Phát huy truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công nhân viên ngành xây dựng Lạng Sơn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy và khai thác mọi nguồn lực, đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp.
VŨ VĂN AN
Ý kiến ()