Ngành văn hóa cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ
Sáng 19/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Tuấn Minh |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Bí thư Đảng ủy đã báo cáo đoàn công tác về kết quả thực hiện: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 19/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ VHTT&DL đã báo cáo đoàn công tác về một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm như phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nghệ sĩ, xét trao Giải thưởng VHNT; quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn; quản lý hoạt động quảng cáo; quản lý sách và thư viện; quản lý và tổ chức lễ hội, mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm; điện ảnh…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, gần đây, công tác quản lý trong lĩnh vực VHTTDL đã có những điểm nhấn, những nét đáng biểu dương như về du lịch, thể thao, công tác quản lý lễ hội, nghệ thuật biểu diễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh, quản lý là một chuyện, nhưng cái đọng lại sau quản lý, sau những đề án, dự án, chiến lược mới là quan trọng bởi “quản lý là trước mắt, con người là tương lai”. Mọi thứ tiếp cận, chuyển hóa về văn hóa là những vấn đề rất lớn. Lĩnh vực này đang đặt ra nhiều băn khoăn như vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa trong tiến trình hội nhập, lõi văn hóa của người Việt, mức độ tương tác, khai thác du lịch cũng như thiết chế văn hóa, văn hóa cơ sở.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Tuấn Minh |
Đánh giá công việc của Bộ VHTT&DL là rất nhiều, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra một số vấn đề đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương giúp Chính phủ, Bộ VHTT&DL hoàn thành nhiệm vụ.
Dù ngành VHTTDL đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng theo Phó Thủ tướng, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa có không ít bất cập. Những vấn đề này cần sự tháo gỡ không chỉ ở tầm vĩ mô, mà thậm chí cần những quan điểm mang tính đột phá.
Theo Phó Thủ tướng, thực trạng đạo đức xã hội nói chung có những biểu hiện đáng lo ngại. Sự thâm nhập và chi phối của các yếu tố trái ngược với những điều tốt đẹp của văn hóa đạo đức nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng diễn ra ngày càng mạnh. Những điều này mọi người nói chủ yếu do nguồn lực chúng ta kém? Hoặc nhận thức thì tốt rồi, nhưng do khâu tổ chức thực hiện. Điều này bao giờ cũng đúng nhưng không hẳn chính xác bởi nếu “nếu nhận thức thực sự sâu sắc thì chắc chắn giải pháp phải đúng, nếu chưa đúng thì bằng nhận thức có thể thay đổi ngay”. Lấy ví dụ ở một số phường xã, nơi nào cấp ủy nhận thức đúng tầm quan trọng của văn hóa thì sẽ quan tâm, chỉ đạo và kết quả rất tốt, còn không thì sẽ kém, Phó Thủ tướng mong muốn phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò nền tảng của văn hóa.
Tiếp đó, cần phải đổi mới trong công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực văn hóa. Việc đổi mới có thể kèm theo những rủi ro, khó khăn, vướng mắc, cần sự phân định. Vì vậy, Phó Thủ tướng mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cá nhân đồng chí Võ Văn Thưởng ủng hộ, chỉ đạo, giúp giải đáp những điểm còn chưa rõ trong quá trình Chính phủ, Bộ VHTT&DL thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao kết quả mà Bộ VHTT&DL đã thực hiện được trong triển khai chủ trương, nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết của Đảng.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Tuấn Minh |
Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị lãnh đạo Bộ VHTT&DL lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Nghị quyết 33, Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, chú ý những vấn đề trọng tâm để thực hiện chống xuống cấp đạo đức xã hội.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, thực hiện tinh thần của Nghị quyết 23, Bộ VHTT&DL nghiên cứu đề xuất những giải pháp để tiếp tục phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà, trong đó, cần thông thoáng trong quản lý, nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Nghiên cứu để thu hút, khuyến khích xã hội đầu tư vào văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần đặt hàng những tác phẩm truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu tình hình mới; phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa; tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế gắn với đổi mới, nâng cao năng lực của cán bộ.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Ủy Ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, lãnh đạo Bộ VHTT&DL sẽ đưa những ý kiến chỉ đạo vào quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng mong muốn Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, ủng hộ Bộ VHTT&DL trong công tác quản lý của ngành trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định Bộ VHTT&DL sẽ tham mưu để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, báo cáo đề xuất những vấn đề phát sinh, chỉ đạo điều hành các hoạt động của ngành tuân thủ pháp luật nhưng không xa rời thực tiễn.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()