Ngành trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), với 80% số dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và các hoạt động liên quan. Lĩnh vực trồng trọt chiếm 63% tổng GDP, đóng góp hơn 60% giá trị xuất khẩu, chiếm 65% số lao động của ngành nông nghiệp. Ảnh hưởng của BĐKH đã và đang tác động trực tiếp đến ngành trồng trọt, đòi hỏi cần có những thay đổi để thích ứng với điều kiện mới.Những đột phá mớiCác kịch bản của BĐKH cho thấy, nông nghiệp, nông thôn là khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng mất đất ở, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực. Để ứng phó với BĐKH, Chính phủ chỉ đạo các nhà khoa học xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; đồng thời triển khai các kế hoạch tập trung tuyên truyền để nhân dân chủ động ứng phó, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững. Nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, công tác nghiên cứu, sàng lọc các giống cây...
Những đột phá mới
Các kịch bản của BĐKH cho thấy, nông nghiệp, nông thôn là khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng mất đất ở, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực. Để ứng phó với BĐKH, Chính phủ chỉ đạo các nhà khoa học xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; đồng thời triển khai các kế hoạch tập trung tuyên truyền để nhân dân chủ động ứng phó, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững. Nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, công tác nghiên cứu, sàng lọc các giống cây trồng chủ lực như: lúa, ngô… chịu được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã được triển khai một cách khẩn trương dựa trên kết quả nghiên cứu BĐKH ở vùng nhiệt đới. Để thích ứng với BĐKH, ngành trồng trọt chủ động phân chia, tập trung sản xuất những nông sản mũi nhọn, những nhóm cây có lợi thế cạnh tranh. Duy trì, bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, bảo đảm sản lượng thóc đạt 46 triệu tấn. Đồng thời tăng diện tích đất trồng những giống lúa chất lượng cao từ 21% hiện nay lên 40% vào năm 2020. Áp dụng tiến bộ về giống và khoa học – kỹ thuật (KHKT) vào trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu sức lao động người dân, đồng thời cho năng suất chất lượng cao, phấn đấu năm 2020 có khoảng 85% diện tích đất trồng lúa sử dụng kỹ thuật ba giảm, ba tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất/ha canh tác lúa.
Với các nhóm cây cà-phê, cao-su, điều, hồ tiêu, ngành trồng trọt đã và đang tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn đưa những giống cây mới, loại bỏ dần những cây trồng lâu năm, nhằm nâng cao chất lượng kỹ thuật canh tác, đồng thời phát triển khâu bảo quản và chế biến nhằm giảm thiểu tổn thất, cho giá trị kinh tế cao. Mở rộng quy mô, công suất chế biến cà-phê hòa tan từ 10 nghìn tấn (năm 2011) lên 25 nghìn tấn (2015); với cây cao-su đến năm 2020 phải đạt 500 nghìn tấn mủ khô/năm. Các loại cây rau, cây ăn quả thực hiện nhiều mô hình trồng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặc dù sản lượng nông nghiệp tăng hằng năm, tuy nhiên đang bộc lộ những điểm yếu như: tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm… Tăng trưởng ngành trồng trọt trong thời gian qua chủ yếu theo số lượng (diện tích, năng suất, sản lượng) dựa trên việc sử dụng nguồn lực tự nhiên kết hợp tăng lao động, phân bón và vật tư nông nghiệp… Song, để tạo ra khối lượng sản phẩm nhiều, giá thành thấp, chất lượng cao, cũng như khả năng cạnh tranh, giá trị kinh tế cao thì vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, tất yếu cần có sự đổi mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng, nhằm tạo chuyển biến theo hướng nâng cao giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nông nghiệp là nguồn đất dành cho lĩnh vực này đang giảm dần để nhường chỗ cho những khu công nghiệp, những công trình phi nông nghiệp. Chính sách trong việc quản lý và sử dụng đất chưa thuận lợi. Về hỗ trợ tài chính đối với người sản xuất trồng trọt như cơ giới hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa đủ mạnh để thúc đẩy sản xuất. Đáng chú ý trong ngành trồng trọt, để hướng đến sự phát triển thì tính bền vững, tính ổn định chưa cao, do còn phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên và chưa gắn với thị trường tiêu thụ. Giá thành nhiều loại nông sản còn cao, sức cạnh tranh thấp.
Cần giải pháp đồng bộ hơn
Trên cơ sở dự tính, dự báo về ảnh hưởng của BĐKH, cần tiến hành và rà soát các nguồn tài nguyên đất hiện có, qua đó điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch các vùng sản xuất cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả cho phù hợp với tác động của BĐKH trên tất cả các vùng, miền với tiêu chí bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cho con người, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên đất, nước. Cần chú trọng hơn vào công tác nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng mới có năng suất cao, thích nghi với điều kiện canh tác mới. Các biện pháp canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng ít nước hơn, chịu hạn hơn, xen canh/luân canh với cây trồng có khả năng che phủ đất và cải tạo đất. Cần nghiên cứu, thử nghiệm giống ngắn/dài ngày để né tránh thiên tai, nhất là hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ở những vùng có nguy cơ chịu tác động mạnh.
Tái cơ cấu ngành trồng trọt là một hợp phần của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện đề án phát triển ngành giai đoạn 2011 – 2020, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xóa đói, giảm nghèo. Đây là việc làm cần thiết, xác định rõ việc phân bổ lại và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả hơn theo cơ chế thị trường để chuyển dần mô hình tăng trưởng theo số lượng sang kết hợp giữa gia tăng số lượng với chất lượng và giá trị. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap hữu cơ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Tạo sự yên tâm cho người dân bằng cách thực hiện những chính sách về quản lý, sử dụng và hỗ trợ cho người nông dân. Các địa phương cần nghiên cứu và đề xuất những vùng đất chuyên sản xuất nông nghiệp nhằm tránh việc sử dụng, chuyển đổi sai cũng như đầu cơ trục lợi của những người kinh doanh bất động sản. Trong mối quan hệ sản xuất giữa ba nhà thì vai trò của nhà đầu tư, các doanh nghiệp là vấn đề then chốt, bảo đảm sự thành công trong sản xuất. Bởi các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý, có nguồn lực kinh tế để đầu tư vào trong sản xuất nông nghiệp: các giống cây trồng tốt cho chất lượng cao, các KHKT ứng dụng cho cây trồng, bảo quản và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện các chính sách của Nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, trong khi các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi đầu tư vào trong nông nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cần thiết và kịp thời nhằm khuyến khích các chủ doanh nghiệp tích cực hơn trong mô hình sản xuất nông nghiệp như: được tạo hành lang chính sách pháp lý phù hợp, ưu tiên trong việc tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng.
Những kết quả trong thay đổi quan niệm cũng như những chính sách hợp lý trong nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng đã và đang đem lại những nguồn lợi tích cực. Tuy nhiên, để phát huy cao nhất những thành quả này, các địa phương cần dựa vào tình hình, điều kiện từng nơi để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững những giống cây trồng mũi nhọn tập trung. Tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận mà phá bỏ những cây trồng gắn bó với từng vùng miền. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, quỹ đất cho nông nghiệp ngày càng giảm trong khi dân số ngày càng tăng đòi hỏi cần có đủ nguồn lương thực, thực phẩm cần thiết, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước, sau là thị trường xuất khẩu. Muốn làm được điều đó, cần có những cơ chế nhằm tái cơ cấu lại ngành một cách phù hợp và hiệu quả. Đáp số đúng sẽ có được nếu có sự phối hợp cùng thực hiện đồng bộ của nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()