Ngành trồng trọt đặt mục tiêu xuất khẩu trên 21 tỷ USD năm 2018
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, ngành trồng trọt phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt từ 2,2-2,3%, giá trị tăng thêm tối thiểu đạt 2,1%, với kim ngạch xuất khẩu trên 21 tỷ USD.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đồng thời tập trung triển khai mạnh mẽ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt.
Các địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (ngô, rau màu, cây ăn trái) và sang nuôi trồng thủy sản, nhất là ở các địa phương khó khăn về nguồn nước như miền núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Phát huy hiệu quả từ việc xoay trục phát triển đối với việc phát triển các mặt hàng chủ lực, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chuyển cơ cấu sản xuất từ lúa-trái cây-thủy sản sang thủy sản-trái cây-lúa. Vùng này sẽ phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao.
Các sản phẩm sẽ được tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống mới, năng suất và chất lượng cao, thực hiện các giải pháp quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển mạnh công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Năm nay, diện tích cây ăn quả cả nước nâng lên khoảng 930.000ha, tăng 6.100ha so với năm 2017, cùng với đó là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng để tăng sản lượng và giá trị. Mỗi địa phương lựa chọn phát triển cây ăn quả lợi thế thành vùng hàng hóa quy mô lớn và đẩy mạnh sản xuất theo hướng GAP, bảo đảm an toàn thực phẩm và thực hiện rải vụ thu hoạch trái cây. Phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao, quy mô lớn tập trung ở các vùng ven đô, các thành phố lớn.
Đối với cây lương thực, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản xuất lúa gạo thông qua tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng, cũng như giá trị thương mại cao bằng các biện pháp thâm canh đồng bộ.
Tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 7,65 triệu ha, sản lượng đạt 42,98 triệu tấn. Duy trì diện tích ngô 1,1 triệu ha, sản lượng 5,2 triệu tấn; diện tích sắn 540.000ha, sản lượng 10,5 triệu tấn.
Các loại cây công nghiệp như càphê sẽ giảm dần diện tích, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới để ổn định diện tích 645.000ha. Năm nay, các địa phương sẽ tái canh, ghép cải tạo khoảng 15.000ha.
Cây cao su cũng tiếp tục giảm dần diện tích tại những vùng đất không phù hợp và duy trì diện tích khoảng 950.000ha. Cây chè giữ ổn định diện tích 132.000ha, năng suất lên 88 tấn/ha, sản lượng trên 1 triệu tấn. Năm nay sẽ đẩy nhanh tiến độ trồng thay thế các diện tích chè trồng hạt sang các giống chè mới theo hướng chế biến chè xanh chất lượng cao.
Đối với cây điều ổn định diện tích khoảng 300.000ha. Cùng với đó tiếp tục trồng tái canh và ghép cải tạo đối với diện tích điều già cỗi, sâu bệnh nhiều, giống không đạt yêu cầu.
Cây hồ tiêu sẽ triển khai giám sát và quản lý phát triển sản xuất, các địa phương điều chỉnh diện tích phù hợp, sản xuất theo hướng bền vững./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()