LSO-Được sự quan tâm, chỉ đạo của TAND tối cao, sự phối hợp hỗ trợ của tỉnh, các cơ quan tư pháp, các ngành liên quan, trong nhiệm kỳ 2004-2011, ngành TAND tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều tiến bộ rõ rệt từ trình độ cán bộ, cơ sở vật chất đến chất lượng xét xử, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
|
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn |
Nhiệm kỳ qua, ngành TA đã thụ lý 10.225 vụ án các loại, đã giải quyết 9.443 vụ, đạt 92,3%. Trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, TA hai cấp đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về thời hạn xét xử , áp dụng nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết nên hầu hết các vụ án đều xét xử trong hạn luật định, nếu quá hạn chỉ là số rất ít vì lý do khách quan, không có án tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Về chất lượng, cơ bản đều giải quyết, xét xử đúng pháp luật, đã khắc phục dần việc sai sót do lỗi chủ quan của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, tỷ lệ án bị TA cấp trên sửa, hủy do lỗi chủ quan vẫn trong phạm vi tỷ lệ ngành quy định, không có án xử oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Cụ thể: Về xét xử án hình sự Lạng Sơn được coi là địa bàn có nhiều loại tội phạm hoạt động và phức tạp, có vụ án được dư luận toàn quốc quan tâm (xảy ra tại Hải quan Tân Thanh, hang Dơi…) các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như: giết người; cướp tài sản; mua bán ma túy; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; mua bán người; mua bán, bắt cóc trẻ em; lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thuế giá trị gia tăng…Trong đó, có nhiều vụ do cơ quan điều tra, truy tố của Bộ Công an, Viện Kiểm sát tối cao tiến hành tố tụng được đưa về TA tỉnh xét xử. Tuy có phức tạp, đông bị cáo (cao nhất 36 bị cáo), phạm nhiều tội danh, nhiều luật sư tham gia, xử dài ngày (gần 1 tháng), nhưng TAND tỉnh đã tập trung lực lượng, phối hợp với các ngành tiến hành tố tụng tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh. Toàn ngành đã đưa 272 vụ án xét xử lưu động, đã có tác dụng nhất định trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm trong nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp, trong phiên tòa xét xử đã thực hiện việc tranh tụng giữa những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tổ chức một số phiên tòa “mẫu” có các thẩm phán, kiểm sát viên dự để cùng rút kinh nghiệm. Do đó, chất lượng điều khiển phiên tòa được nâng lên, công bằng, dân chủ hơn. Trong công tác giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, TAND tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị. Chủ động xem xét, thẩm định, phối hợp với cơ quan chức năng thu thập chứng cứ để giải quyết có tình, có lý một cách kịp thời. Tại phiên tòa đã chú trọng hòa giải, nên có nhiều vụ đương sự tự thỏa thuận, các thiếu sót của án sơ thẩm được khắc phục, tránh việc hủy án. Đa số các vụ án đều được xét xử giữ nguyên án sơ thẩm, nếu phải sửa, hủy bản án, quyết định sơ thẩm đều có căn cứ pháp luật. Các vụ án thuộc loại này chủ yếu là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, phân chia tài sản khi ly hôn.
Việc giải quyết án kinh doanh, thương mại; phá sản; án hành chính được chú trọng. Tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, TA thụ lý chủ yếu là do cá nhân, doanh nghiệp nợ ngân hàng, các doanh nghiệp nợ nhau. Chỉ có 1 vụ phá sản thuộc doanh nghiệp tư nhân. Còn án hành chính chủ yếu là các khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND, thủ trưởng cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực đất đai, thương mại. Tuy số lượng án không nhiều, nhưng đây là loại việc mới, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực, trong khi đó văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn chưa đầy đủ nên cũng khó khăn trong việc giải quyết. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo ngành, Thẩm phán được phân công luôn chủ động tìm tòi, phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã giải quyết dứt điểm từng vụ, việc đúng pháp luật, có căn cứ và đã không có án bị cấp trên sửa, hủy do sai nghiêm trọng.
Ý kiến ()