Ngành thủy sản với các FTA: Lạc quan nhưng không chủ quan
Ảnh minh họa |
Năm 2019 mở ra nhiều cơ hội và thách thức với ngành thủy sản. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn biến khó lường, có thể tạo ra thời cơ nhưng cũng tiềm ẩn những bất ổn. Mức thuế chống bán phá giá cá tra và tôm vào thị trường Mỹ giảm so với kết luận sơ bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho xuất khẩu vào thị trường này.
Đồng thời, biến đổi khí hậu có những diễn biến phức tạp, nguồn nước cấp cho đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng mạnh do nhiều quốc gia xây đập trên thượng nguồn, trong khi đây là khu vực chiếm đến 90% sản lượng chế biến và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Thẻ vàng của EC năm 2017 chưa được gỡ bỏ cũng gây những tác động không nhỏ đến xuất khẩu…
Trong bối cảnh đó, việc CPTPP có hiệu lực từ 14/1 và EVFTA được ký kết mới đây được kỳ vọng là bước đà quan trọng để ngành thủy sản “cất cánh”.
Muốn nhận ưu đãi thuế, phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại, EU đã dành cho Việt Nam mức thuế ưu đãi – GSP, nhiều mặt hàng thủy sản được hưởng thuế chỉ 4-7% trong khi biểu thuế cơ bản dao động từ 12-24%, khiến Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các nước đối thủ trực tiếp như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc khi các nước này đang phải chịu mức thuế không ưu đãi. Câu hỏi đặt ra là, EVFTA có lợi thế gì vượt trội so với các ưu đãi thuế khác?
“Khi EVFTA có hiệu lực, đồng thời ưu đãi thuế theo GPS sẽ chấm dứt, đối với một số mặt hàng giảm thuế theo lộ trình, trong 1-2 năm đầu có thể phải chịu mức thuế cao hơn GPS. Tuy nhiên, về lâu dài, phải khẳng định EVFTA mang nhiều lợi ích bền vững hơn cho doanh nghiệp. Bởi sau lộ trình, thuế nhập khẩu vào EU sẽ về 0% với tất cả các mặt hàng. Hơn nữa, Hiệp định này mang tính chất cam kết đa phương, bất cứ thay đổi nào cũng phải được sự đồng thuận từ các bên, trong khi ưu đãi thuế GPS mang tính đơn phương, phía EU có thể rút lại bất cứ lúc nào mà không cần thông báo”, bà Trang phân tích.
Nhìn toàn bộ biểu thuế, trong CPTPP, mức cam kết xoá bỏ thuế cho Việt Nam là 78-95%, với EVFTA là 85,6% ngay khi các hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên, vị đại diện VCCI cho rằng, dường như thủy sản đang được xem là ngành tương đối “nhạy cảm”, bởi tính chất của ngành hoặc một số sự việc trong quá khứ khiến đối tác mở cánh cửa hẹp hơn so với các ngành khác. Hiện EU cam kết xoá ngay 50% số dòng thuế cho thủy sản, còn lại cần lộ trình 3-7 năm.
Đồng hành với đó là câu chuyện về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Hiện có 3 loại xuất xứ hàng hóa, xuất xứ thuần túy là toàn bộ nguyên liệu được sản xuất trong nước; với xuất xứ nội khối các nguyên liệu có thể xuất phát từ các nước cùng khối và xuất xứ một phần khi một phần nguyên liệu không có xuất xứ trong nước hoặc trong khối nhưng đáp ứng được những điều kiện nhất định.
Trước đây, xuất xứ hàng hóa chưa là mối quan tâm lớn như hiện nay do hầu hết các sản phẩm thủy sản đều đáp ứng xuất xứ thuần túy. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành thủy sản nội địa, năng lực sản xuất các doanh nghiệp trong nước không ngừng tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất theo dây chuyền, nhập nguyên liệu từ nhiều nơi, từ đó, đặt ra vấn đề xác minh nguồn gốc xuất xứ.
Điểm chung của 2 hiệp định là đều dành phần lớn quy định cho ngành thủy sản. Với CPTPP, quy tắc xuất xứ sản phẩm thủy sản chiếm đến hơn 1/5 tổng số và được quy định rất chi tiết tới từng nhóm hàng, từng sản phẩm hàng hoá. EU thì không yêu cầu cao như vậy nhưng thủy sản cũng được “ưu ái” hơn các ngành còn lại.
“Điều này đủ thấy các đối tác muốn khẳng định, tôi ưu đãi cho bạn chứ không phải người khác, cần có quy tắc xuất xứ để chứng minh hàng hóa đó của mình, nếu đến 90% nguyên liệu cấu thành có xuất xứ từ nước khác thì ưu đãi đó đâu dành cho chúng ta. Vì vậy, cần nhớ rõ, quy tắc xuất xứ hàng hóa là điều kiện quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế quan”, bà Trang cho biết.
Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, điểm mới là các bên cam kết áp dụng doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ, cách này tạo thuận lợi hơn rất nhiều, đồng thời tăng trách nhiệm của doanh nghiệp với hàng hóa. Tuy nhiên, với CPTPP, Việt Nam chưa thực hiện ngay trong 5 năm đầu, còn với EVFTA, chúng ta chưa cam kết chính xác thời gian, chứng nhận xuất xứ vẫn do cơ quan của Bộ Công Thương cấp cho tới khi “cảm thấy phù hợp áp dụng theo phương pháp khác”.
Đại diện VCCI khẳng định, các nước đều không từ bỏ quyền của mình trong việc đặt các biện pháp phi thuế, phần lớn các cam kết trong hiệp định chỉ làm rõ hơn các tiêu chí, cách thức áp dụng các biện pháp này, còn quyền vẫn hoàn toàn nằm trong tay mỗi nước. “Trên thực tế nếu thuế quan giảm bằng 0% thì đây là biện pháp bị nhiều nước lạm dụng để bảo hộ sản xuất trong nước”.
Bên cạnh đó, khác với rào cản thuế, dù có được “xây” cao đến đâu vẫn có thể vượt qua, nhưng với các biện pháp phi thuế quan câu trả lời chỉ “có”, hoặc “không”, yêu cầu các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến.
Cam kết mở cửa dịch vụ, mua sắm công tạo cơ hội lớn
Nhìn từ cấu trúc của 2 hiệp định này, bà Trang cho biết, mối quan tâm lâu nay của các doanh nghiệp thủy sản chỉ là các chính sách về thuế quan và phi thuế quan, nhưng thực tế lại chỉ chiếm phần rất nhỏ trong các điều khoản của CPTPP và EVFTA, còn những điều kiện khác ảnh hưởng không nhỏ tới ngành.
Về cam kết với dịch vụ, CPTPP và EVFTA mở cửa rộng hơn WTO với nhiều phân ngành của dịch vụ logistics như: Dịch vụ hỗ trợ các phương thức vận tải khác, dịch vụ bảo hành và sửa chữa tàu biển, tàu thủy nội địa, xếp giỡ container hàng hải, đại lý vận tải hàng hoá… Dịch vụ phân phối cũng được mở rộng hơn về bán lẻ, giảm số hàng hoá không cam kết cho nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam… Những cam kết này về nguyên tắc không ảnh hưởng trực tiếp tới ngành thủy sản, tuy nhiên, mở cửa thị trường đồng nghĩa với cạnh tranh cao hơn, chất lượng, giá cả tốt hơn, nhất là khi tỷ trọng chi phí cho logistics trong tổng chi phí của các doanh nghiệp Việt đang ở mức rất cao so với các nước khác.
Đặc biệt, một cam kết chưa từng có tiền lệ là mở cửa thị trường mua sắm công, lần đầu tiên các doanh nghiệp thủy sản Việt có thể tiếp cận được thị trường mua sắm công cực kỳ lớn của các nước EU và 10 nước CPTPP. Như theo cách nói ví von của Vasep, “thử tưởng tượng doanh nghiệp Việt trúng thầu gói cung cấp hải sản cho quân đội Đức trong vòng 2 năm, giá trị hợp đồng sẽ là con số không tưởng”. Đổi lại, cùng với những cam kết đồng thời từ 2 phía, thị trường mua sắm công trong nước cũng được mở cửa hơn với các doanh nghiệp tư nhân, đây chính là cơ hội lớn với ngành thủy sản.
Với CPTPP, Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường, vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0%, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm đông lạnh, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ… Trong đó, Nhật Bản cũng áp ngay thuế 0% cho hầu hết các sản phảm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8-10,5%, trừ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm; cá ngừ vây xanh, cá ngừ mắt to, cá ngừ albacore, cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá kiếm… (mã HS 03) lộ trình giảm thuế 6-11 năm… Đặc biệt, với 3 thị trường Việt Nam chưa ký hiệp định song phương cũng áp dụng thuế suất 0% cho thuỷ sản Việt từ các mức cơ bản: 4% với Canada; 6% với Chile và 10-20% với Mexico, chỉ còn số ít mặt hàng giảm theo lộ trình 3-10 năm. Ngoài ra, Việt Nam tham gia CPTPP phải kể đến cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng nhập khẩu từ các nước để sản xuất chế biến xuất khẩu và gia công nhờ thuế xuất khẩu giảm hoặc về 0%. Các nước CPTPP chiếm gần 16% nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo Vasep, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, với mặt hàng tôm, EU chiếm 22% tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 -35%. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ bản 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và surimi sẽ chịu hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Đối với sản phẩm tôm – sản phẩm chủ lực của Việt Nam vào EU, tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ… (mã HS 03061100) sẽ được giảm ngay từ 12,5% hiện tại xuống 0%. Tôm sú đông lạnh, tôm sú nguyên con… (mã HS 03061710) cũng có mức thuế từ 20% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Với sản phẩm cá ngừ, EU cam kết xóa bỏ thuế quan cho cá ngừ tươi sống và đông lạnh ngay khi EVFTA có hiệu lực. các sản phẩm khác có lộ trình giảm thuế từ 3-7 năm. Riêng cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn. Các sản phẩm cá tra có lộ trình 3 năm, trừ cá tra hun khói cần 7 năm để về mức 0%… Một số sản phẩm khác như máy móc, thiết bị, đặc biệt các loại máy phục vụ cho sản xuất trong nước phần lớn sẽ được xóa bỏ ngay, số ít được EU xoá bỏ thuế trong vòng 4 năm. Các doanh nghiệp sẽ được nhập máy móc từ các quốc gia công nghệ nguồn về cải tiến sản xuất với giá rẻ hơn rất nhiều, đây là là cơ hội được nhiều chuyên gia đánh giá có ý nghĩa lớn với hoạt động ngành thủy sản trong nước. |
Theo Chinhphu
Ý kiến ()