Ngành thủy sản Việt kiên trì chiến lược sản phẩm giá trị gia tăng cao
Nằm trong Top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới, thủy sản Việt Nam luôn khẳng định với thế giới bằng chất lượng với những sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao.
Nằm trong Top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới, thủy sản Việt Nam luôn khẳng định với thế giới bằng chất lượng.
Những sản phẩm chế biến với giá trị gia tăng cao là hướng đi mà các doanh nghiệp lựa chọn để khẳng định vị thế. Trong bối cảnh nhu cầu thủy sản thế giới vẫn thấp, sản phẩm giá trị gia tăng có những cái khó riêng song doanh nghiệp vẫn kiên trì với sự lựa chọn chiến lược này.
Là một trong những doanh nghiệp Top đầu về xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết hướng đi của doanh nghiệp luôn là các sản phẩm giá trị gia tăng. Khi mặt hàng tôm Việt Nam sang Mỹ là thị trường lớn nhất thì với riêng Sao Ta là thị trường Nhật Bản. Công ty đang có cơ hội lớn là tham gia vào chuỗi phân phối với các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Công ty đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Anh và cũng đang đạt những kết quả tích cực ở Mỹ, Hàn Quốc.
Ông Hồ Quốc Lực cũng chia sẻ không chỉ chú trọng vào thị trường trên, công ty cũng đang coi trọng thị trường tiềm năng lớn như Trung Quốc. Mặc dù thời điểm này công ty chưa xuất khẩu sản phẩm nào sang Trung Quốc, song chiến lược 5 năm tới, công ty xác định Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng lớn nhất của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều năm qua là sản phẩm chế biến giá trị gia tăng. Điều này thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Điển hình như cá tra, quý 1 năm nay, trong khi cá tra phile đông lạnh xuất khẩu giảm 5%, sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng tăng 16% và cá tra khô tăng gần 9%.
Đáng lưu ý, hai dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan; riêng xuất khẩu bóng bóng cá tra tăng 17%. Tương tự, sản phẩm tôm xuất khẩu cũng tập trung tăng trưởng vào dòng sản phẩm tôm bỏ đầu, chừa đuôi. Đối với cá ngừ, dòng sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 48% so với cùng kỳ.
Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm giá trị gia tăng là lợi thế của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 2,68 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là mặt hàng tôm đạt 937 triệu USD, tăng 5,9%.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm từ 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh của tôm Việt tại thị trường Nhật Bản.
Tôm Việt Nam đang dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản. Tuy xuất khẩu thủy sản đang có những kết quả tích cực, nhưng theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, những khó khăn lớn ngành phải đối diện vẫn chưa qua, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới chưa thực sự "ấm” lên. Tình trạng lạm phát, tồn kho vẫn tiếp tục tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là tôm vẫn phải đối diện với những khó khăn về các loại thuế tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ; hay căng thẳng biển Đỏ làm tăng cước vận tải biển…
Trước nỗ lực phát triển cũng như chinh phục thị trường thế giới bằng sản phẩm giá trị gia tăng của thủy sản Việt Nam đang gặp không ít khó khăn khi nhu cầu thị trường ở mức thấp kéo dài thời gian vừa qua.
"Các doanh nghiệp vẫn cần chủ động tìm kiếm các cơ hội để vượt qua thời gian khó khăn này. Đồng thời, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để khẳng định thương hiệu doanh nghiệp, vị thế của thủy sản Việt Nam," ông Trương Đình Hòe cho hay.
Ông Trần Bé Sáu, Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt-Úc bày tỏ, cùng với việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu.
Theo ông Hồ Quốc Lực, cơ hội không phải tự nhiên tới mà bản thân doanh nghiệp phải có sự chủ động trên cơ sở nền tảng thế mạnh nội tại. Công ty đang cố gắng phát huy thế mạnh là tìm cơ hội ở tương lai, nỗ lực tham gia vào tiến trình phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thủy sản Việt Nam đã và đang có trình độ chế biến cao với nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư công nghệ, thiết bị để gia tăng các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao như dầu ăn, collagen, gelatin… đã được phát triển nhờ kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh./.
Ý kiến ()