Ngành thuốc lá kiến nghị về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo đề xuất thay đổi biểu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng với thuốc lá điếu của Bộ Tài chính, đến nay hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đều đồng tình song cũng đề nghị Bộ và các cơ quan chức năng cần tăng thuế cần có lộ trình hợp lý để các doanh nghiệp chuyển đổi dần việc sản xuất kinh doanh và ngăn chặn hàng lậu hiệu quả.
Cán bộ Chi cục QLTT Thành phố Hà Nội kiểm tra một cửa hàng |
Chống buôn lậu cần đi trước
Trong buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được tổ chức mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nhiều nguyên nhân, trong đó giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Hiện Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá là 44,9%, thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước trong khu vực (Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50%) cũng như các nước trên thế giới (Australia 62%, Đức 75%, Pháp 80%…).
Vì vậy, theo quan điểm của đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, tăng thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết bởi mục đích của tăng thuế là nhằm giảm số người hút thuốc lá, một khi giá thuốc lá không còn hấp dẫn thì số người hút thuốc sẽ giảm đáng kể. Cũng theo tính toán của Bộ, nếu tăng thuế suất 10% theo lộ trình lên 75% từ 1/7/2015 và đến mức 85% từ 1/1/2018, thì mức đóng góp vào ngân sách của ngành thuốc lá sẽ tăng khoảng 2.900 tỉ đồng vào năm 2016, riêng đóng góp của Tổng Công ty Vinataba sẽ tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2018.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thực sự lượng cung thuốc lá, giảm thị phần thuốc lá sản xuất trong nước nhưng không tăng thị phần thuốc lá lậu? Về vấn đề này, theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tăng thuế TTĐB trong bối cảnh buôn lậu thuốc lá chưa bị đẩy lùi sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế hơn là tăng thu từ thuế TTĐB. Bởi theo số liệu khảo sát được công bố của các tổ chức quốc tế, hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á có tình trạng buôn lậu thuốc lá lớn nhất. Theo thống kê, năm 2013, tổng lượng thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam là 104,8 tỉ điếu, thì có tới 17 tỉ điếu là nhập lậu. Thuốc lá nhập lậu hiện lấy đi 20% thị phần tiêu thụ thuốc lá trong nước, trong khi đó, do không phải chịu bất cứ khoản thuế nào nên ngân sách nhà nước đang bị thất thu nghiêm trọng từ thuốc lá lậu.
Nhìn chung, diễn biến của thuốc lá nhập lậu trở nên rất phức tạp; nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hiện nay đã xuất hiện thêm và lan tràn ở hầu hết các tỉnh miền Trung, miền Bắc và trên phạm vi toàn quốc. Nếu như trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là JET và HERO (giá khoảng 14.000đ) thì mới đây xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (9.000đ), Pin, Jun (9.500đ) Elephant, v.v… Năm 2013, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng thuốc lá lậu như hiện nay thì năm 2014 ngân sách nhà nước có thể thất thu hơn 8.000 tỷ đồng. Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát.
Như vậy, việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá hay tạo môi trường pháp lý nghiêm ngặt đối với ngành thuốc lá trong nước đang vô tình gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu phát triển nhanh chóng; một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, khu vực kinh tế ngầm mà cụ thể ở đây là tình trạng buôn lậu, trốn thuế phát triển và nguy hiểm hơn là không in cảnh báo sức khỏe, không kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn các doanh nghiệp của nhà nước nộp thuế đầy đủ thì rất khó khăn.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình hợp lý
Trước tình hình trên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB với thuốc lá cần phải cân nhắc và triển khai phù hợp với tình hình thực tế của ngành thuốc lá Việt Nam, đặc biệt cần phải xem xét giãn lộ trình. Theo đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị từ nay đến hết năm 2015 chưa tăng thuế đối với thuốc lá. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất có thể xem xét tăng thuế TTĐB có lộ trình với mức tăng mỗi lần thêm khoảng 5% là phù hợp.
Ngoài ra, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị, trước mắt cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành cần hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị cho lực lượng bộ đội biên phòng, công an, hải quan tại các cửa khẩu, khu vực biên giới là điểm “nóng” của hoạt động buôn lậu thuốc lá. Việc ngăn chặn thuốc lá lậu tại các cửa khẩu, khu vực biên giới đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác chống buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép trích 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ và trang bị phương tiện cho các lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu thuốc lá. Vì thuốc lá lậu độc hại nhiều hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhiều hơn, lại trốn tất cả các loại thuế của nhà nước. Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, sẽ xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế: Tăng lên 70% từ năm 2017; Tăng lên 75% vào năm 2020.
Qua tham khảo ý kiến, đại diện Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đề xuất nên lấy chính nguồn thu từ thuốc lá để hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu. Cụ thể, đề xuất tăng mức hỗ trợ tiêu huỷ thuốc lá lậu từ 100 đồng/bao lên 500 đồng/bao, và mức hỗ trợ cho mỗi bao thuốc lá lậu bắt được từ 1.000 đồng/bao lên 3.500 đồng/bao.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nếu thực hiện đồng thời được các biện pháp trên, sẽ giải quyết được vấn đề chống buôn lậu vì không tạo “vùng trũng” làm gia tăng thẩm lậu do mức thuế suất thuốc lá của những nước lân cận có chung đường biên với nước ta thấp hơn… ; đồng thời vẫn hạn chế được tiêu thụ, chống tác hại thuốc lá như mục tiêu đề ra.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()