Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, công tác thuế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được triển khai kịp thời để phục vụ hoạt động của Chính phủ. Suốt 65 năm qua, ngành thuế luôn góp phần tích cực và chủ yếu vào việc xây dựng ngân sách nhà nước (NSNN) vững mạnh, đồng thời phát huy vai trò là đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ghi nhận thành tích vẻ vang của ngành thuế và động viên các thế hệ cán bộ của ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày 6-8-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10-9 hằng năm là “Ngày Truyền thống của ngành thuế Việt Nam”.
Bước vào mùa thu, cả nước hân hoan chào đón và hướng tới kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ngày đáng ghi nhớ ấy đã đưa lịch sử Việt Nam sang chương mới, cả nước đứng lên đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, rồi từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.
Đi lên từ “hai bàn tay trắng” nhưng với truyền thống cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, trải qua 65 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích vẻ vang. Và đến nay, sau gần 25 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế của Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1991 – 2010 đạt gần 7,5% – mức phát triển cao trong khu vực và thế giới; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 123 USD/người năm 1991 lên 1.200 USD vào năm 2010, đưa nước ta sớm thoát khỏi nhóm các nước nghèo. Thể chế kinh tế thị trường từng bước được hình thành và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, vị thế của Việt Nam ngày càng quan trọng trên trường quốc tế.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tiềm lực tài chính quốc gia cũng không ngừng được cải thiện, trong đó công tác thuế có tầm quan trọng hàng đầu. Với vai trò bảo đảm nguồn thu NSNN, suốt 65 năm qua, ngành thuế cả nước luôn phấn đấu nỗ lực, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ cách mạng.
Thời kỳ 1945-1954, thuế là công cụ động viên nguồn lực để phục vụ nhu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khuyến khích phát triển kinh tế ở những vùng giải phóng, bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng, đáp ứng nguồn lực tài chính cho Nhà nước non trẻ ổn định và phát triển, mà đỉnh cao là đã huy động được nguồn lương thực, tiền vốn cần thiết cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Khi miền bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH và đấu tranh giải phóng miền nam, thuế là công cụ để cải tạo quan hệ sản xuất cũ, thiết lập và củng cố quan hệ sản xuất mới, điều tiết mạnh mẽ lợi nhuận của tư bản tư nhân, động viên đúng mức nguồn thu nhập của doanh nghiệp và dân cư, để tăng cường nguồn lực tài chính, đáp ứng cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc và chi viện cho chiến trường miền nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Thời kỳ cả nước đi lên CNXH, công tác thuế là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước để cải tạo quan hệ sản xuất tư nhân, tư bản chủ nghĩa ở miền nam, khuyến khích phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế quốc doanh trở thành vai trò chủ đạo của nền kinh tế, coi trọng và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời tăng cường huy động nguồn lực cho nền tài chính quốc gia phục vụ việc cải tạo, khôi phục đất nước sau chiến tranh và tiếp tục xây dựng cơ sở của CNXH.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, theo đó công tác thuế được cải cách để phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, phù hợp thực tiễn của Việt Nam và bắt nhịp với các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt trong những năm gần đây, trước những đòi hỏi của tình hình mới, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành thuế đã và đang chuyển mình, tích cực tự hoàn thiện và đổi mới thông qua những bước đi quyết liệt thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Với mục tiêu xây dựng một hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu hợp lý đi đôi với hiện đại hóa công tác quản lý để bảo đảm chính sách động viên của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bình đẳng, công bằng xã hội, phù hợp với nền kinh tế thị trường và chủ động hội nhập quốc tế.
Sau gần 25 năm đổi mới, trải qua ba bước cải cách lớn, ngành thuế đã đạt được những thành tựu quan trọng: Hệ thống chính sách thuế được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực và là công cụ để Đảng và Nhà nước điều chỉnh sự phát triển nền kinh tế – xã hội, động viên được các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh; khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác quản lý thuế ngày càng được kiện toàn, củng cố cả về cơ chế quản lý, bộ máy và con người, trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức, thực thi các chính sách thuế. Cơ quan thuế các cấp đã chuyển từ cơ chế “chuyên quản” làm thay nhiều công việc thuộc trách nhiệm của người nộp thuế sang cơ chế đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc tự tính, tự khai và nộp thuế vào NSNN. Từ ngày 1-7-2007, cơ chế quản lý tự kê khai, tự nộp thuế đã chính thức được luật hóa ở Luật Quản lý thuế và áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, người nộp thuế chủ động tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật về thuế. Luật Quản lý thuế cũng đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước pháp luật của cả người nộp thuế, cơ quan thuế, cán bộ thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tăng cuờng hiệu lực công tác quản lý thuế.
Một trong những thành công nổi bật của ngành thuế trong những năm gần đây là đã phát triển mạnh hệ thống công nghệ tin học, phục vụ tốt người nộp thuế và nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác quản lý thuế. Đến nay, tỷ lệ ứng dụng tin học đạt khoảng hơn 60% các công việc quản lý thuế, tự động hóa hầu hết các chức năng quản lý thuế chủ yếu, như: đăng ký thuế, xử lý kê khai, nộp thuế, kế toán thuế, quản lý thu nợ, thanh kiểm tra. Vào thời điểm này, ngành thuế cả nước đang tích cực triển khai áp dụng phương thức kê khai thuế qua mạng in-tơ-nét, đồng thời mở rộng hình thức thu, nộp thuế qua hệ thống các ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN.
Thủ tục hành chính (TTHC) thuế đã liên tục cải cách theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế để các tổ chức cá nhân thực hiện tốt các chính sách thuế của Nhà nước, đồng thời tiết kiệm được chi phí và nguồn lực trong quản lý thuế. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện tốt việc niêm yết công khai yêu cầu hồ sơ, thời hạn giải quyết các TTHC thuế và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, đã công bố được 338 TTHC trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí. Qua rà soát đã đề xuất bãi bỏ 11 TTHC, thay thế bốn TTHC, sửa đổi, bổ sung 243 TTHC (đề xuất đơn giản hóa được khoảng 76%). Với kết quả đề xuất đơn giản hóa các TTHC như vậy, ước tính sẽ cắt giảm khoảng 36,1% chi phí tuân thủ chung cho xã hội về thực hiện các TTHC thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế còn triển khai cơ chế “một cửa”, theo đó người nộp thuế chỉ phải đến một nơi để thực hiện toàn bộ các TTHC thuế từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả. Việc này vừa tạo thuận lợi cho cơ quan thuế quản lý tốt hơn, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp thuế.
Nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh và công tác quản lý thuế ngày càng trưởng thành nên từ năm 1990 đến nay, thu NSNN luôn hoàn thành vượt mức dự toán Quốc hội giao, năm sau tăng hơn năm trước. Riêng các năm từ 2001 đến nay, tốc độ tăng bình quân hơn 18%/năm, tỷ lệ động viên NSNN so GDP bình quân đạt khoảng 23%, trong đó, từ thuế, phí đạt khoảng 22% GDP (mục tiêu đặt ra là tỷ lệ động viên NSNN đạt 21-22% GDP, trong đó, từ thuế, phí là 20%-21%). Năm 1991 tỷ lệ động viên thuế và phí/GDP chỉ mới đạt 13,1% thì đến năm 2009 tỷ lệ này đã đạt 23,7%.
Cơ cấu thu NSNN đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, nguồn thu từ nội địa tăng trưởng cao, trở thành nguồn thu chủ yếu và mang tính ổn định cao, góp phần tạo dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh. Nếu như năm 1990 tổng thu thuế và phí mới chỉ chiếm 76,8% tổng thu NSNN thì đến năm 2009 tỷ lệ này đã tăng lên là 89,8%, năm 2010 đạt khoảng 94%. Đến nay đã có 40 địa phương có số thu NS hơn 1.000 tỷ đồng, năm địa phương có số thu hơn 10 nghìn tỷ đồng (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai), trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở thành địa phương có số thu 100 nghìn tỷ đồng/năm. Do có nguồn thu khá nên ngoài việc bảo đảm nhu cầu chi tiêu thường xuyên, Nhà nước còn có điều kiện tăng chi cho đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiềm chế dưới mức Quốc hội cho phép, đáp ứng kịp thời các vấn đề bức xúc về kinh tế – xã hội của đất nước, lập quỹ dự trữ tài chính nhà nước và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế trong 65 năm qua, Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp đã phong tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các tập thể, cá nhân. Chỉ tính riêng thời kỳ đổi mới, ngành thuế đã được tặng thưởng: tám danh hiệu Anh hùng Lao động, một Huân chương Độc lập hạng nhất, bốn Huân chương Độc lập hạng ba, 23 Huân chương Lao động hạng nhất, 113 Huân chương Lao động hạng nhì, 1.014 Huân chương Lao động hạng ba và hàng nghìn Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ, hàng vạn Bằng khen, Giấy khen của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của các ngành, UBND các cấp. Sẽ mãi in đậm trong ký ức của các thế hệ công chức ngành thuế, ngày 19-8-2004, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành thuế do có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Và mới đây nhất, ngày 6-8-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10-9 hằng năm là “Ngày Truyền thống của ngành thuế Việt Nam”. Đó là sự cổ vũ lớn lao để cán bộ thuế hôm nay tiếp bước truyền thống các cán bộ đi trước vượt mọi khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa công tác thuế của Nhà nước, góp phần thiết thực vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nhân lên truyền thống vẻ vang qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng cục Thuế đã phát động đợt thi đua mới, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, bảo đảm thu đúng thu đủ, đồng thời đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ thuế theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, xây dựng ngành thuế trong sạch, vững mạnh để luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
Ý kiến ()