Ngành thép Việt Nam vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu
Được dự báo sẽ có mức tăng trưởng sản xuất khoảng 20-22% trong năm nay, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều tên tuổi như Hòa Phát, Hoa Sen, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tôn Đông Á…, thép Việt Nam có triển vọng sẽ tới nhiều thị trường trên thế giới.
Sản xuất tôn mạ kẽm tại nhà máy tôn Hoa Sen Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Có thể kể đến các vụ việc như chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội, chống bán phá giá tôn mạ, chống bán phá giá thép hình H và gần hơn là vụ kiện tự vệ thương mại với phôi thép, thép dài và tôn màu…
Theo số liệu đến tháng 3-2018 của Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 446.000 tấn, với kim ngạch đạt 321 triệu USD, tăng 38% về lượng và 63% về giá trị so với cùng thời điểm năm 2017.
Bên cạnh đó, chất lượng thép của Việt Nam cũng đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Châu Âu… và dần có vị trí nhất định trên thị trường thép khu vực và thế giới.
Mặc dù vậy, chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu thép các loại 1,2 triệu tấn, với tổng kim ngạch hơn 808 triệu USD, giảm 5% về lượng, nhưng tăng 22% về giá trị.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng, mặc dù nhập khẩu thép giảm, xuất khẩu bán ra tăng nhờ vào việc Việt Nam đã tích cực thực hiện các biện pháp tự vệ thương mại một cách kịp thời. Nhưng có thể thấy, nhiều mặt hàng lượng nhập khẩu vẫn còn rất lớn, như thép tôn mạ màu, tôn cuộn cán nóng…
Ông Sưa lý giải, ngành thép Việt Nam vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu là do quy trình sản xuất trong nước chưa đồng bộ, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Đồng thời, nhiều sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào như thép cuộn cán nóng, phôi… vẫn chưa tự sản xuất được. Điều đó dẫn đến việc phải nhập khẩu, làm chậm quá trình sản xuất cũng như tăng gánh nặng chi phí.
Với sự phục hồi của thị trường xây dựng và hội nhập càng sâu rộng, đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến được ký trong năm nay, sẽ là cơ hội cho thép Việt Nam vươn ra các thị trường mới và mạnh dạn đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng hơn 20% trong năm nay.
Tuy nhiên, có một thực tế là khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thì những nước nhập khẩu sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ ngay cả các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… và mới đây nhất là Mỹ. Bằng nỗ lực của các doanh nghiệp và hiệp hội, các cơ quan nhà nước, Việt Nam đã áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại tương đối hiệu quả.
Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, trước tiên, các doanh nghiệp cần giữ vững thị trường trong nước. Sau đó với xuất khẩu, mỗi doanh nghiệp ngành thép cần tuân thủ các Hiệp định Thương mại tự do, tích cực hợp tác với các nước nếu xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá nhằm tránh mất thị trường hoặc bị đánh thuế cao.
“Giải pháp bảo hộ thị trường là cần thiết nhưng chưa đủ. Bản thân doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng mọi cơ hội để phát triển”, ông Dương nói.
Tôn Đông Á là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm khi ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho hay, Tôn Đông Á có thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Australia, ASEAN…, mà hiện các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đang là thách thức.
Do vậy, trong vấn đề sản xuất, cần sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ nhà máy cấp 1, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu – chứng cứ gồm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra…. Đồng thời, xây dựng quy trình làm việc và lưu trữ hồ sơ chuẩn, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác tích cực với các cơ quan điều tra… để có được kết quả tốt nhất trong việc bảo vệ thị trường.
Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cho rằng, việc xuất khẩu gặp khó khăn do vấp phải các rào cản, phòng vệ thương mại từ các nước. Do vậy, Tổng Công ty sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng tăng cường phân tích dự báo thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Với rất nhiều công cụ tự vệ mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả thời gian qua, có thể thấy, doanh nghiệp thép Việt Nam nói chung dù chưa phải đủ mạnh và giàu kinh nghiệm, nhưng vẫn có khả năng đấu tranh phòng vệ trong bối cảnh hội nhập.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, điều quan trọng là các doanh nghiệp khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải có tinh thần hợp tác, kiên trì, không được tránh né. Nếu tránh né, cơ quan phụ trách phòng vệ nước ngoài sẽ được quyền áp dụng ngay vì bất hợp tác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để sẵn sàng trong quá trình điều tra, chuẩn hóa các số liệu, không chỉ phục vụ cho các cơ quan điều tra nước ngoài mà còn phục vụ tốt cho chính doanh nghiệp khi đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất của ngành mình.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()