Ngành thanh tra: Phát huy truyền thống vẻ vang
LSO- Cách đây 70 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Trong suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cán bộ Thanh tra Hữu Lũng trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: NÔNG MINH THẢO
Cùng với sự lớn mạnh của ngành, các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra tỉnh Lạng Sơn luôn thấm nhuần và phấn đấu thực hiện theo lời dạy của Bác: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”, không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thực hiện Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch (Sắc lệnh số 261 ngày 28/3/1956), ngày 15/5/1957, Uỷ ban Hành chính (UBHC) tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định số 100-TT/CB thành lập Ban Thanh tra Lạng Sơn. Nhiệm vụ chủ yếu là giám sát theo dõi để ngăn ngừa sai phạm của cán bộ chủ chốt thông qua việc cử cán bộ của Ban dự các cuộc họp kiểm điểm lãnh đạo ở các ban, ngành, huyện; xem xét đơn khiếu tố, giám sát việc sửa sai trong cải cách ruộng đất ở một số xã; thanh tra ngành thương nghiệp, y tế.
Năm 1958-1960, tổ chức thanh tra tạm thời thu hẹp lại do một số cán bộ của Ban được điều động nhận nhiệm vụ khác và chi viện cho chiến trường, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ chuyên làm công tác xem xét đơn thư khiếu tố trực thuộc Văn phòng UBHC tỉnh.
Thời kỳ 1969-1970, do tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH), trật tự trong quản lý Nhà nước xuất hiện những vấn đề phức tạp, Bộ Chính trị có chủ trương củng cố lại công tác thanh tra. Ngày 11/8/1969, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 780-NQ/QH phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ. Tháng 10/1970, UBHC tỉnh quyết định thành lập lại tổ chức thanh tra gọi là Uỷ ban Thanh tra tỉnh. Đồng thời, tổ chức thanh tra các huyện, thị và một số ban, ngành của tỉnh cũng được kiện toàn. Nhiệm vụ chủ yếu là xem xét, giải quyết đơn thư khiếu tố. Hoạt động thanh tra KT-XH tập trung thanh tra việc chấp hành quy trình sản xuất ở một số đơn vị.
Cán bộ Thanh tra huyện Hữu Lũng phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho người dân. Ảnh: MINH THẢO
Từ năm 1972, hoạt động thanh tra KT-XH đã được chú trọng hơn nhằm góp phần vào công cuộc phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh. Điển hình là các cuộc thanh tra tại xí nghiệp vôi đá, xí nghiệp gạch ngói Hợp Thành, xí nghiệp chế biến lâm sản, xí nghiệp tinh dầu… và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 50 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống lập quỹ đen ở một số ngành, đơn vị kinh tế.
Tháng 2/1976, hai tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn sáp nhập. Năm 1978, tách tỉnh Cao Lạng. Hoạt động thanh tra KT-XH thời kỳ này đã trở nên thường xuyên hơn. Ngoài Uỷ ban Thanh tra tỉnh, Ban thanh tra các ngành thương nghiệp, tài chính, lao động cũng hoạt động khá mạnh. Đã mở được một số cuộc thanh tra tương đối qui mô như: thanh tra tại Ban kiến thiết xây dựng của tỉnh, Xí nghiệp ô tô Lạng Sơn, nhất là cuộc thanh tra về công tác phân phối hàng hoá (do Thanh tra Thương nghiệp tiến hành).
Giai đoạn 1984-1989, hoạt động thanh tra KT-XH được triển khai đều cả ở các sở, ngành, huyện, thị xã. Đối với hoạt động xét khiếu tố nổi lên tình hình khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhà cửa. Uỷ ban Thanh tra tỉnh đã có những đóng góp tích cực, góp phần ổn định tình hình, đảm bảo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhà cửa.
Từ năm 1990, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra. Hoạt động thanh tra đã dần mang tính kế hoạch định hướng cụ thể và có sự thống nhất trong hoạt động của toàn ngành. Trong những năm gần đây, hệ thống tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra Lạng Sơn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn ngành có 17 sở, ban, ngành có tổ chức thanh tra và 11 tổ chức thanh tra huyện, thành phố với 194 công chức, lao động hợp đồng. Đội ngũ cán bộ đã được bổ sung về số lượng, nâng cao hơn về chất lượng. Công chức có trình độ đại học chiếm trên 80% (trong đó có 6 thạc sỹ), 94 đồng chí đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên các cấp (trong đó Thanh tra viên chính có 16 đồng chí).
Hoạt động của toàn ngành thanh tra tỉnh trong những năm qua có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, đoàn kết và chuyển biến tích cực. Theo đó đã tham mưu cho thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền với kết quả giải quyết hàng năm đều đạt trên 80%. Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm. Chất lượng các cuộc thanh tra đã được nâng lên, số lượng, quy mô các cuộc thanh tra tiếp tục mở rộng. Qua thanh tra đã kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý, kiến nghị sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách; kiến nghị thu hồi về kinh tế nhiều tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước và chuyển một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra làm rõ góp phần giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở địa phương. Đặc biệt, Thanh tra tỉnh và thanh tra một số huyện, thành phố thông qua công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của một số dự án đầu tư và qua công tác giải quyết khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng đã góp phần chấn chỉnh một bước việc chấp hành các quy định trong thu hồi, giao đất, bồi thường, tái định cư, góp phần tháo gỡ một số vưỡng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của một số dự án đầu tư trên địa bàn…
Với những thành tích đạt được, từ năm 1993 đến nay, toàn ngành thanh tra Lạng Sơn đã có nhiều tập thể, cá nhân được UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ tặng bằng khen và trên 100 công chức trong ngành được tặng thưởng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp thanh tra”; 1 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2013, Thanh tra tỉnh đã vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thanh tra Việt Nam, Thanh tra tỉnh vinh dự được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra tỉnh Lạng Sơn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết, luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của ngành: “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng ngành thanh tra tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh và làm vẻ vang thêm truyền thống của ngành.
VŨ NGỌC HÀ (Thanh tra tỉnh)
Ý kiến ()