Ngành than gắn sản xuất với bảo vệ môi trường
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, với nhiều hoạt động như khai khoáng, sản xuất điện, vật liệu nổ công nghiệp,… nhất là lĩnh vực khai thác, chế biến than tại Quảng Ninh có tác động ảnh hưởng đến môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng chiến lược phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Máy phun sương cao áp dập bụi tại Khu vực kho than Công ty cổ phần Than Hà Tu. |
Hằng năm, TKV dành ra hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, riêng năm 2021 chi 1.160 tỷ đồng (vùng Quảng Ninh là 1.076 tỷ đồng) cho công tác này, đưa nhiều dự án, công trình vào hoạt động, phục vụ hiệu quả sản xuất.
Nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ
Nước thải từ hoạt động khai thác mỏ là một trong những mối nguy hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân nếu không được xử lý phù hợp. Từ năm 2010 trở về trước, các trạm xử lý nước thải của TKV chủ yếu vận hành bằng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực, hiện nay hầu hết được thay thế, áp dụng công nghệ hợp khối và tấm lắng nghiêng, giúp các trạm xử lý nước thải tăng tốc độ lắng, hạn chế diện tích bể lắng sử dụng.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, đã giúp các trạm tăng tốc độ lắng, hạn chế diện tích bể lắng; xử lý nước thải hiệu quả hơn trước. Công nghệ này cũng giúp tiết giảm nhiều chi phí trong quá trình hoạt động và xử lý nước thải hiệu quả hơn so với công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực trước đây. Toàn Tập đoàn TKV hiện có 50 trạm xử lý nước thải sản xuất than, trong đó 47 trạm xử lý nước thải mỏ, ba trạm xử lý nước thải công nghiệp; tổng lượng nước thải mỏ qua xử lý năm 2021 đạt hơn 141 triệu m3, bảo đảm quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Các trạm đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, các thông số kỹ thuật được truyền về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.
Trạm xử lý nước thải Vàng Danh là một trong những công trình xử lý nước thải hiện đại nhất của TKV. Với sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu mỏ và môi trường Ðức, Trạm Vàng Danh được thiết kế các hạng mục: tuyến dẫn nước về trạm, buồng quan trắc đầu vào, bể phản ứng, bể lắng, bể phân phối, bể lọc mangan, bể cô đặc bùn và máy ép bùn,… Toàn bộ nước thải từ hoạt động khai thác hầm lò của Công ty Than Vàng Danh tại khu vực Cánh Gà và Vàng Danh được thu gom triệt để và xử lý tại trạm này.
Với công suất 3.000m3/giờ, trạm xử lý nước thải này giúp xử lý khoảng 10 triệu m3 nước thải mỏ mỗi năm cho Công ty Than Vàng Danh. Thời gian gần đây, trước nhu cầu sản xuất, ngành than tiếp tục đầu tư, nâng công suất năm trạm xử lý nước thải mỏ gồm các trạm Mông Dương, Núi Nhện, Ðồng Vông, Mạo Khê và đầu tư mới Trạm Núi Hồng. Trạm xử lý nước thải Mạo Khê công suất 1.200m3/giờ đã được TKV đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng nâng công suất lên 2.400m3/giờ. Khi hoàn thành, đây là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất ngành than hiện nay.
Phó Quản đốc Phân xưởng xử lý nước Uông Bí (Công ty Môi trường-TKV) Hoàng Xuân Tùng cho biết: “Phân xưởng quản lý, vận hành 16 trạm xử lý nước thải vùng Uông Bí-Mạo Khê và Thái Nguyên. Trong đó, Trạm 1.200m3/giờ Mạo Khê khi nâng công suất lên gấp hai lần sẽ xử lý triệt để nước thải mỏ tại mặt bằng 17m, một phần được tái sử dụng phục vụ sản xuất, vệ sinh công nghiệp. Nước thải mỏ từ hầm bơm mức âm 80 và âm 150m mỏ Mạo Khê đều được xử lý, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Dự kiến giai đoạn 2022-2025, TKV tiếp tục đầu tư nâng công suất năm trạm xử lý nước thải, gồm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo và Thành Công (Than Hòn Gai). Trong bối cảnh TKV tăng sản lượng khai thác than, lượng nước thải cần xử lý ngày càng tăng cao, việc tiếp tục đầu tư nâng công suất các trạm xử lý sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất của TKV.
Phủ xanh bãi thải
Những năm qua, nhất là vào dịp Tết trồng cây, TKV phát động và trồng hàng nghìn héc-ta cây xanh tại các khu vực bãi thải, khu vực dừng khai thác, đổ thải, các tuyến đường mỏ,… Thống kê trong sáu tháng năm 2022, TKV đã trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường hơn 108ha chủ yếu ở vùng Quảng Ninh, đạt 54% kế hoạch năm 2022, bằng 146% so với cùng kỳ. Với nhiều giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả được áp dụng tại các đơn vị ngành than, đã xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan khu vực có hoạt động sản xuất của TKV và khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện rõ nét; từng bước giảm ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa với môi trường và cộng đồng.
Ðối với các bãi thải mỏ thực hiện đổ thải đất đá trong quá trình khai thác than lộ thiên, Công ty cổ phần Than Cao Sơn đã triển khai phương án bảo vệ môi trường tổng thể bãi thải Bàng Nâu với những hạng mục chi tiết, cụ thể. Do khu vực bãi thải Bàng Nâu tiếp giáp tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Ðồn, để hạn chế phát tán bụi trong quá trình đổ thải, từ đầu năm 2022 trở lại đây, Than Cao Sơn đã lắp đặt và đưa vào sử dụng tám máy phun sương cao áp dập bụi công suất lớn, nâng tổng số máy phun sương dập bụi công suất lớn tại khu vực bãi thải Bàng Nâu lên 11 máy, phun dập bụi hoàn toàn tại các tầng vành đai (80, 110 và tầng 300m).
Ðồng thời, Cao Sơn cũng tiếp tục thi công đê ngăn đất đá số 10; cải tạo các tầng của bãi thải theo thiết kế; xây dựng hệ thống dốc nước sườn bãi thải số 1 và số 2; trồng hơn 300ha cây xanh trên toàn bộ phần diện tích còn lại của bãi thải Bàng Nâu,… Dự kiến trong bốn tháng cuối năm 2022, công ty tiếp tục triển khai đê ngăn đất đá số 10; công trình dốc nước số 1 từ tầng 80 về tầng 50m,…
Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải khẳng định: “Công tác bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp ngành than thực hiện với ý thức trách nhiệm rất cao, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu song hành cùng sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống, làm việc xanh, sạch, đẹp. Cùng với việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường các khu vực bãi thải, nhiều năm qua, các đơn vị trong ngành cũng xây dựng vườn hoa, cây xanh tại văn phòng, phân xưởng trên khai trường mỏ, tại mặt bằng công nghiệp, khuôn viên nhà máy,… tạo cảnh quan môi trường theo tiêu chí “Sáng-xanh-sạch” và chủ trương “Ðưa công viên vào trong mỏ, nhà máy” của Tập đoàn để mỗi phân xưởng, công trường, nhà máy như một công viên thu nhỏ”.
Thời gian tới, TKV tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ môi trường tổng thể theo mô hình cụm tại các đơn vị; thu gom, xử lý triệt để chất thải; quy trình đổ thải tuân thủ thiết kế, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường. Ðồng thời, TKV triển khai chủ trương tái sử dụng nước thải mỏ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản. Trước mắt, tập đoàn sẽ cải tạo, phục hồi môi trường moong khai thác than lộ thiên 917, Công ty Than Hòn Gai khi kết thúc khai thác và đóng cửa mỏ, chuyển moong 917 sử dụng làm hồ dự trữ nước ngọt với dung tích 20 triệu m3, tiến hành trồng 60ha phi lao và keo lai chung quanh hồ. Ðồng thời, xây dựng và lên kế hoạch, lộ trình chương trình hành động của TKV thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Ý kiến ()