Ngành than áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ
Ðầu tháng 4 vừa qua, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa (CGH) đồng bộ hạng nhẹ và các sơ đồ công nghệ CGH, bán CGH đào lò mẫu. Lãnh đạo TKV và các chuyên gia mỏ khẳng định sự cần thiết của việc áp dụng các công nghệ khai thác CGH nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh “ba hóa” (CGH, tự động hóa, tin học hóa), để nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh,…
Theo báo cáo của Viện Khoa học – Công nghệ mỏ, đơn vị được TKV giao nhiệm vụ phối hợp theo dõi, đánh giá, tổng hợp số liệu, đối với hai tổ hợp CGH hạng nhẹ được áp dụng tại Công ty cổ phần Than Mông Dương và Công ty Than Hạ Long năm 2020 vừa qua cho thấy, hai giàn chống có trọng lượng và kích thước nhỏ, cho phép vận chuyển qua các đường lò tiết diện nhỏ nên vận chuyển, lắp đặt tương đối thuận lợi, thời gian ngắn (18 ngày đối với tổ hợp ở Than Hạ Long và 25 ngày với tổ hợp ở Than Mông Dương), chỉ bằng hai phần ba thời gian vận chuyển, lắp đặt các tổ hợp CGH trung bình và nặng đã áp dụng tại các mỏ khác của TKV. Công nghệ đạt một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt, năng suất lao động khá cao, dần đạt công suất thiết kế,… Việc áp dụng sơ đồ công nghệ đào lò mẫu, trong quá trình triển khai, các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn. Các dây chuyền CGH đào lò mẫu và bán CGH đào lò mẫu đều có giá thành thấp hơn công nghệ thủ công trong cùng điều kiện. Các chuyên gia đánh giá, áp dụng CGH đã tăng được năng suất lao động, giảm vật tư, nguyên vật liệu và chi phí khác liên quan.
Lò chợ CGH hạng nhẹ đồng bộ với hệ thống vận tải mức âm 155 m đến dương 20 m của Công ty cổ phần than Mông Dương là lò chợ CGH hạng nhẹ đầu tiên trong TKV, có ý nghĩa lớn trong việc đổi mới và đột phá về công nghệ của ngành than. Việc đầu tư đồng bộ thiết bị CGH hạng nhẹ thay thế công nghệ khai thác thủ công hiện nay đã nâng cao công suất, năng suất lao động, mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và giảm được số lò chợ hoạt động đồng thời vẫn bảo đảm sản lượng yêu cầu. Dự án lò chợ CGH hạng nhẹ ở Mông Dương có mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng, bao gồm 96 giàn chống thủy lực di động, một máy khấu than, hệ thống máng cào gương, máng cào thu hồi và nhiều thiết bị khác, thời gian khai thác trong tám năm. Ðể đồng bộ hóa dây chuyền vận tải, đáp ứng sản lượng hơn 1,5 triệu tấn, công ty triển khai đào lò ngầm vận tải xuống mức âm 115 m và lắp đặt băng tải vận chuyển than lên mặt bằng kho than để nâng cao năng lực vận tải hầm lò, thay cho hệ thống trục tải giếng chính. Giám đốc Công ty Nguyễn Quế Thanh cho biết, công trình lò chợ CGH hạng nhẹ và hệ thống vận tải than xuống mức âm 115 m là điểm nhấn quan trọng trong việc thay đổi công nghệ khai thác, vận tải than của Mông Dương.
Hiện nay, Công ty Than Hạ Long đang triển khai dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV. Trong chiến lược phát triển của TKV, đã xác định dự án Khe Chàm II-IV sau khi vào hoạt động sẽ trở thành dự án mẫu của TKV, bảo đảm các tiêu chí mỏ sạch, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng CGH đồng bộ trong khai thác. Dự án xác lập hai kỷ lục mới trong ngành than: khai thác hầm lò ở mức sâu nhất (500 m) và quy mô công suất mỏ lớn nhất (3,5 triệu tấn/năm). Công ty Than Hạ Long đã đầu tư một tổ hợp khai thác than CGH loại nhẹ, công suất thiết kế 300 nghìn tấn/năm trị giá gần 106 tỷ đồng, thời gian khai thác trong tám năm, gồm một bộ máy khấu than, 80 bộ dàn chống, một bộ máng cào lò chợ, các thiết bị phụ kiện khác và hệ thống thiết bị điện kèm theo. Lò chợ được đưa vào khai thác từ quý II-2020, sản lượng khai thác năm 2020 đạt 200 nghìn tấn. Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, lò chợ CGH đưa vào hoạt động đã nâng cao được năng suất lao động và bảo đảm mức độ an toàn. Do thời gian khấu gương ít hơn, đã giảm thời gian hoàn thành một chu kỳ khai thác, trung bình lò chợ dài khoảng 100 m, tốc độ tiến gương mỗi ngày đạt từ 3 đến 5,4 m, trong khi các phương pháp khác thường đạt khoảng 1,6 m. Số lao động trực tiếp trong lò chợ giảm, sản lượng khai thác và năng suất lao động tăng 1,5 đến 3 lần. Theo tính toán sơ bộ trong điều kiện của Công ty than Hạ Long, việc áp dụng CGH đồng bộ hạng nhẹ giảm khoảng 20 đến 40% giá thành khai thác so với các phương án khai thác khác.
Qua nghiên cứu, phân tích các chỉ tiêu kỹ thuật của công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ, lãnh đạo TKV và các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ này trong thực tiễn sản xuất. Ðồng thời, cần đồng bộ hạ tầng, dây chuyền sản xuất, vận tải; tổ chức sản xuất, điều hành khoa học, hợp lý trong đào lò, khai thác, vận tải, không để ách tắc trong sản xuất, phát huy năng lực thiết bị, dây chuyền sản xuất. Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ và các sơ đồ công nghệ CGH, bán CGH đào lò mẫu là chủ trương quan trọng và cấp thiết của TKV, nhất là thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Kết quả ban đầu cho thấy, năng suất lao động đã tăng 1,5 – 2 lần so công nghệ cũ, sản lượng gần đạt công suất thiết kế và hiệu quả kinh tế cho thấy, áp dụng công nghệ CGH đồng bộ hạng nhẹ công suất 300 nghìn tấn/năm rất phù hợp điều kiện địa chất của TKV, mở ra triển vọng nhân rộng tại các đơn vị thuộc TKV. Ðối với công tác đào lò, cần khắc phục kịp thời các vấn đề như vận tải, duy tu bảo dưỡng thiết bị…
Lãnh đạo Tập đoàn TKV đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng chương trình thực hiện CGH đồng bộ hạng nhẹ và CGH đào lò giai đoạn 2021 – 2025 với các mục tiêu, nội dung cụ thể, tiếp tục áp dụng CGH đồng bộ hạng nhẹ và CGH đào lò tại các đơn vị; xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với kế hoạch CGH cũng như hệ thống bảo trì, bảo dưỡng, chế tạo vật tư, phụ tùng thay thế. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch đào lò dài hạn, phân công nhiệm vụ, phát huy vai trò của đơn vị đào lò chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư, có cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ để đẩy mạnh áp dụng CGH trong khai thác và đào lò,…
Ý kiến ()