Ngành tài nguyên và môi trường tổng kết công tác năm 2021
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Ngày 31/12, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự, chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Năm 2021, ngành TN&MT đã chủ động xây dựng chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trình ban hành chính sách, pháp luật tháo gỡ các vướng mắc, triển khai các giải pháp đột phá để phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong đó, ngành đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các lĩnh vực ngành phát triển; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 nghị định, 2 quyết định, 2 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Cùng đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính số tiền 37 tỷ đồng; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp; triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính tại 216 đơn vị cấp huyện, hoàn thành việc lập 8,63 triệu hồ sơ địa chính điện tử, số hóa thông tin địa chính của trên 42 nghìn thửa đất; các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho phát triển đất nước…
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021, ngành TN&MT vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tình trạng chồng chéo, không đồng bộ giữa pháp luật về quản lý tài nguyên với các pháp luật khác; một số quy định chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn; việc tổ chức thực thi pháp luật chưa hiệu quả; tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, tài nguyên nước còn bị lãng phí…
Năm 2022, ngành TN&MT phấn đấu hoàn thành, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030; đơn giản hóa từ 10 đến 15% thủ tục hành chính và chi phí thủ tục lĩnh vực TN&MT…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong lĩnh vực TN&MT năm 2021. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ ngành TN&MT năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành TN&MT cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế, nhất là hạn chế liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và thủ tục hành chính cấp, đổi giấy phép.
Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, cụ thể, bảo đảm đề án tổng kết Nghị quyết 19 về đổi mới chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai trình Bộ Chính trị và trung ương theo đúng tiến độ; xây dựng, hoàn thiện đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội vào năm 2022; tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025); rà soát, phân nhóm, xử lý nghiêm minh, đúng quy định các vụ việc vi phạm; đơn giản hóa các thủ tục, góp phần khơi dậy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Tại hội nghị, Bộ TN&MT vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2021, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) cấp tỉnh; xây dựng và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của 11/11 huyện, thành phố; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện kỳ đầu (năm 2021) của quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện, làm căn cứ triển khai thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… |
Ý kiến ()