Ngành Tài chính nỗ lực cho nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, với những nỗ lực lớn, quyết tâm cao, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ NSNN năm 2013.
Những kết quả tích cực
Ở trong nước, năm 2013 kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất – kinh doanh vẫn còn nhiều. Số doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, giải thể, phá sản vẫn tăng,.. ảnh hưởng lớn đến kết quả thu NSNN. Nhìn chung, nhiệm vụ dự toán thu NSNN năm 2013 rất nặng nề. Bên cạnh đó, yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn để khuyến khích đầu tư, sản xuất – kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cũng là những yếu tố chi phối công tác điều hành NSNN năm 2013.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, ngay từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ quyết định nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa (Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ); trên cơ sở đó, đã khẩn trương tổ chức hướng dẫn và thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng với những điều chỉnh ưu đãi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sớm 6 tháng (từ 1/7/2013) mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, giảm so với mức 25% trước đó. Các giải pháp ưu đãi thuế nêu trên đã nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, do sớm nhận định được những khó khăn, thách thức đối với công tác thu NSNN năm 2013, Bộ Tài chính đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo thu NSNN. Trong điều hành, Bộ Tài chính đã liên tục theo dõi, đánh giá, chỉ đạo hệ thống thuế, hải quan đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, đã tăng cường phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra của Bộ Công an và Cục phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước nhằm trao đổi thông tin, điều tra khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng tại một số doanh nghiệp; thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập – tái xuất, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại.
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan tiếp tục được đẩy mạnh, giảm thời gian kê khai và nộp thuế cho các doanh nghiệp, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai thuế qua mạng… tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Cũng ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các cơ quan trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm chi tiêu trong phạm vi dự toán được giao; chống lãng phí; rà soát cắt, giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, tiết giảm chi phí công tác trong nước và ngoài nước…
Có thể nói, chưa có năm nào sức ép hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN lại nặng nề như năm 2013. Cho đến những ngày cuối cùng của năm, hoạt động thu ngân sách tại nhiều địa phương vẫn diễn ra hết sức khẩn trương không kể ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính. Bằng tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nên khép lại một năm số thu NSNN đã đạt 100,4% dự toán. Chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định.
Với kết quả trên, nếu như ở những năm trước đó có thể được đánh giá là kết quả “bình thường” nhưng trong tình hình và bối cảnh khó khăn như trong năm vừa qua, đó quả là những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2014, quyết liệt cho nhiệm vụ thu ngân sách
Năm 2014, dự báo kinh tế sẽ tích cực hơn (tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, tốc độ lạm phát khoảng 7%, xuất khẩu khoảng 10%). Tuy nhiên, sản xuất – kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; yêu cầu tái đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, áp lực điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ công sát với giá thị trường ngày càng lớn. Ngoài ra, trong năm sẽ thực hiện một số điều chỉnh chính sách thu, qua đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời xét đến yếu tố tác động do điều chỉnh chính sách thu, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP. Có thể thấy, nhiệm vụ đặt lên vai ngành tài chính nặng nề hơn bao giờ hết, đòi hỏi ngành phải quyết liệt ngay từ đầu năm. Vì vậy, trong năm 2014, Bộ Tài chính chỉ đạo cần phải tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, từ đó tạo ngiồn thu ngân sách; kết hợp đồng bộ chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đặc biệt triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ về thu NSNN. Tổ chức thực hiện tốt các luật sửa đổi bổ sung về Quản lý thuế, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập các nhân, Thuế giá trị gia tăng….
Cùng với đó, cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức cá nhân; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu hồi số thuế nợ đọng và quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng. Chú trọng việc thanh tra chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; tăng cường giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ chính sách, chế độ ban hành, trên cơ sở đó lồng ghép, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả. Hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN. Đồng thời, bố trí vốn đầu tư từ NSNN cho các dự án trọng điểm, quan trọng; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hình thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn.
Đáng chú ý, ngành tài chính tiếp tục đặt chỉ tiêu tiết kiệm 10% ngoài lương của các cơ quan, đơn vị so với dự toán năm 2013; không bố trí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo qui định của pháp luật); đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm, không tăng biên chế, chỉ bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013 đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo,…
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2014 trong bối cảnh hiện nay là rất nặng nề. Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta tin tưởng rằng việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN sẽ đạt mục tiêu đề ra./.
Theo CPV
Ý kiến ()