Ngành tài chính Lạng Sơn trên chặng đường đổi mới
NGUYỄN CÔNG TRƯỞNG, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính LSO- Thời kỳ đổi mới 1986 – 1995, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế hành chính bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và 3 chương trình Nghị quyết đề ra là: Lương thực - Thực phẩm - Hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, nhằm mục tiêu ổn định tình hình kinh tế, xã hội, ngành tài chính Lạng Sơn triển khai thực hiện các luật thuế mới như: Luật Thuế doanh thu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế lợi tức, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… Việc tổ chức thu thuế trên địa bàn tỉnh về cơ bản bằng thể chế luật pháp, thay thế cho việc thu thuế theo hệ thống thu cũ; thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đến năm 1989 – 1990, thực hiện đường lối chuyển hẳn nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, tiền tệ hóa một bước tiền lương, thương mại hóa lương thực, vật tư, xăng dầu, bỏ hẳn chế độ tem phiếu…, ngành Tài chính Lạng Sơn đã phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh củng cố các xí nghiệp quốc doanh, tổng kết, đánh giá thực hiện Quyết định 217/HĐBT về cơ chế quản lý tài chính theo hướng giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị kinh tế; tiến hành tổng kiểm kê tài sản (ngày 1/1/1990).
Đoàn viên thanh niên Sở Tài chính biểu diễn chào mừng Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến ngành tài chính năm 2015
Đối với công tác thu, chi ngân sách Nhà nước, ngành tài chính Lạng Sơn đã thực hiện chủ trương mở cửa biên giới Việt – Trung, tạo điều kiện cho việc khai thác nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đồng thời đã tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý tài chính trong kinh doanh xuất nhập khẩu, chống thất thu thuế trên địa bàn; từng bước chấn chỉnh cách thức quản lý tài chính, thu thuế cho phù hợp với điều kiện của kinh tế thị trường; tăng các hoạt động tạo nguồn thu như hoạt động xổ số, dịch vụ, du lịch… số thu ngân sách trên địa bàn từ 371 triệu đồng năm 1986, tăng lên 23.880 triệu đồng năm 1991 và năm 1995 là 292.121 triệu đồng.
Trong thời gian này, số chi chiếm tỷ trọng lớn hơn cả vẫn là chi cho đầu tư phát triển và xây dựng cơ bản bằng vốn tập trung hằng năm từ 20-26% trong tổng chi. Quá trình cải tiến sắp xếp, phân cấp nhiệm vụ quản lý ngân sách và mối quan hệ giữa các cấp ngân sách cũng được quy định khá rõ, do đó những năm 1989 -1990, ngân sách Trung ương phải hỗ trợ cho Lạng Sơn từ 48%- 49% nhưng đến năm 1993-1994 ngân sách Trung ương chi hỗ trợ đã giảm, chỉ còn 22%-27%. Đây là một bước tiến vượt bậc của ngành tài chính Lạng Sơn.
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2001- 2020, qua 15 năm (2001-2015) thực hiện, kinh tế Lạng Sơn tiếp tục phát triển khá. Giai đoạn 2001-2015, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) bình quân hàng năm tăng 10,04%/năm (Mục tiêu đề ra là 10 – 10,05%) và cao hơn thời kỳ 1996 – 2000 (9,25%/năm). Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 376 USD, gấp 1,74 lần so với năm 2000. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và hiệu quả.
Công tác thu ngân sách được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, khai thác thêm nguồn thu, chống thất thu, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, kết quả thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm giai đoạn 2001- 2010 luôn đạt và vượt dự toán trung ương và tỉnh giao. Số thu ngân sách trên địa bàn năm 2000 là 858 tỷ đồng, năm 2005 là 1.493,5 tỷ đồng, năm 2010 là 2.864 tỷ đồng, đến năm 2015 đã là 6.296 tỷ đồng.
Công tác chi ngân sách, trong 15 năm đã có những đổi mới rõ rệt, thông qua thực hiện cải cách một bước thủ tục hành chính trong cấp phát ngân sách, bỏ khâu trung gian, cấp thẳng cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo dự toán đã được duyệt và sau chuyển sang hình thức rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước. Các cấp chính quyền được mở rộng quyền hạn nhằm tạo tính chủ động khi sử dụng ngân sách trực tiếp từ khâu lập dự toán, điều hành và quyết toán ngân sách, theo Luật Ngân sách Nhà nước. Kết quả chi ngân sách địa phương năm 2005 đạt trên 1.064 tỷ đồng, so với năm 2000 tăng gấp 1,64 lần; năm 2010 đạt 4.078 tỷ đồng, tăng 4,33 lần so với năm 2005; năm 2015, dự kiến 7.177 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010; công tác chi ngân sách cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Công tác quản lý giá và tài sản đã có chuyển biến tích cực về nhận thức vai trò trong tình hình mới. Kết quả đã đạt được những thành tích cơ bản trong điều hành giá cả thị trường, tác động bằng hàng loạt các biện pháp, cơ chế, chính sách như thuế, phí, lệ phí, chính sách trợ giá, trợ cước, giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư… Cùng với đó, bình ổn được giá cả thị trường tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển, khơi dậy tiềm năng khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất phát triển, giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo…
Với những thành tích đã đạt được trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, ngành tài chính Lạng Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999, hạng Nhất năm 2004; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009, hạng Nhì năm 2014 và nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
Năm 2015, ngành tài chính Việt Nam, ngành tài chính Lạng Sơn tròn 70 năm. Để thời gian tới tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra, toàn ngành tài chính Lạng Sơn đang nỗ lực bằng các giải pháp cụ thể để huy động, khai thác các nguồn lực tăng vốn cho đầu tư phát triển. Phấn đấu tăng thu ngân sách, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách để góp phần điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chương trình có hiệu quả. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện lành mạnh tài chính công, bảo đảm chi ngân sách tập trung cho đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm.
N.C.T
Ý kiến ()