LSO-Trải qua 65 năm cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, ngành tài chính Lạng Sơn đã phát huy được truyền thống vốn có của các thế hệ đi trước, đó là khắc phục khó khăn, phục vụ sản xuất, đời sống, đảm bảo an ninh quốc phòng...Triệu Thị Thúy Lan Giám đốc Sở Tài chínhTrong kháng chiến chống Pháp, từ những năm 1950-1951, ngành tài chính đã tham mưu cho Ủy ban kháng chiến tỉnh Lạng Sơn đề ra những chính sách thuế và các hình thức động viên tài chính như phát hành các loại công phiếu kháng chiến, quỹ tham gia kháng chiến, quỹ công lương… tích cực thực hiện một số sắc thuế hợp lý do Nhà nước phong kiến để lại, xoá bỏ một số sắc thuế bất công…Thời kỳ khôi phục kinh tế đến năm 1957, với việc tiếp nhận một loạt các chế độ quản lý tài chính chung thực hiện chính sách thuế với những ưu đãi nhất định đã có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phát triển, đã củng cố được và mở rộng các cơ sở kinh tế quốc doanh tạo nguồn thu cho...
LSO-Trải qua 65 năm cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, ngành tài chính Lạng Sơn đã phát huy được truyền thống vốn có của các thế hệ đi trước, đó là khắc phục khó khăn, phục vụ sản xuất, đời sống, đảm bảo an ninh quốc phòng…
|
Triệu Thị Thúy Lan Giám đốc Sở Tài chính |
Trong kháng chiến chống Pháp, từ những năm 1950-1951, ngành tài chính đã tham mưu cho Ủy ban kháng chiến tỉnh Lạng Sơn đề ra những chính sách thuế và các hình thức động viên tài chính như phát hành các loại công phiếu kháng chiến, quỹ tham gia kháng chiến, quỹ công lương… tích cực thực hiện một số sắc thuế hợp lý do Nhà nước phong kiến để lại, xoá bỏ một số sắc thuế bất công…Thời kỳ khôi phục kinh tế đến năm 1957, với việc tiếp nhận một loạt các chế độ quản lý tài chính chung thực hiện chính sách thuế với những ưu đãi nhất định đã có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phát triển, đã củng cố được và mở rộng các cơ sở kinh tế quốc doanh tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Đặc biệt tỉnh đã áp dụng điều lệ tạm thời về cấp phát vốn kiến thiết cơ bản để thành một chính sách thống nhất trong quản lý tài chính đối với tất cả các đơn vị và các công trình xây dựng cơ bản trong toàn tỉnh, áp dụng thống nhất về quản lý kinh phí hành chính, quỹ tiền lương cho cán bộ, công nhân viên trong toàn tỉnh. Bước vào thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Ngành tài chính Lạng Sơn đã “tập trung sức giải quyết yêu cầu cơ bản nhất là xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp” trong tỉnh. Nghị định 64/CP của Chính phủ ban hành ngày 19/11/1960 bãi bỏ quản lý tài chính trong kiến thiết cơ bản theo chế độ thực thanh thực chi, chuyển sang cấp phát và thanh toán theo khối lượng công trình hoàn thành. Đây là giai đoạn cải cách về công tác quản lý kiến thiết cơ bản; đưa trình độ quản lý tiến lên một bước mới, ở trình độ cao hơn; tính hợp lý và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị về quản lý tài chính trong kiến thiết cơ bản được đặt ra rõ ràng hơn. Cùng với việc chấn chỉnh quản lý tài chính ngân sách nhà nước, số thu trong thời kỳ này (1961 – 1965) bình quân tăng khoảng 17,4%/năm; số chi tăng bình quân 19,9%/năm (chỉ có năm 1964 không có kết dư ngân sách). Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, đấu tranh thống nhất đất nước (1966-1975), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 100/CT về việc chuyển hướng công tác tài chính, thương nghiệp giá cả. Phương hướng chi tiêu của ngân sách nhà nước lúc này chủ yếu là phục vụ việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp. Phong trào làm thuỷ lợi nhỏ, khai hoang, cải tạo đồng ruộng và thâm canh, tăng vụ; do đó vốn đầu tư cho thuỷ lợi, thuỷ nông của tỉnh lên đến 1,08 triệu đồng (giá thực tế năm 1965). Vốn đầu tư cho công nghiệp những năm 1970 (theo giá thực tế) trung bình đạt gần 1,8 triệu đồng/ năm, gấp 1,8 lần so với năm 1965. Từ năm 1966 đã xây dựng công trình thuỷ điện Bản Quyền (Văn Quan), Ngả Hai (Bắc Sơn) và nhiều công trình thuỷ điện nhỏ khác. Nhìn chung trong thời kỳ 1966-1975, ngành tài chính Lạng Sơn đã bán sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đề ra và chấp hành đầy đủ chính sách của Trung ương. Số thu trong thời kỳ này bình quân tăng khoảng 6%/năm; số chi tăng bình quân 7,66%/năm. Năm 1967, ngành tài chính Lạng Sơn đã được Chủ tịch nước tăng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính Lạng Sơn thời kỳ 1976-1985 là cùng với cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) theo đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976), vừa giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Giai đoạn 1981-1985, kinh tế có bước phục hồi trở lại nhưng nhiều cơ sở và lĩnh vực sản xuất vẫn chưa phục hồi so với trước. Tình trạng quản lý hành chính bao cấp kéo dài. Một áp lực đè năng lên ngành tài chính Lạng Sơn, đó là sản xuất phát triển chậm và giảm sút. Thời kỳ đổi mới 1986 – 1995, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế hành chính bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Ngành tài chính Lạng Sơn triển khai thực hiện các luật thuế mới như Luật Thuế doanh thu, Thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tổ chức thu thuế trên địa bàn tỉnh về cơ bản bằng thể chế luật pháp, thay thế cho việc thu thuế theo hệ thống thu cũ; thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đến năm 1989 – 1990, ngành tài chính Lạng Sơn đã phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh củng cố các xí nghiệp quốc doanh, tổng kết, đánh giá thực hiện Quyết định 217/HĐBT về cơ chế quản lý tài chính theo hướng giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị kinh tế; tiến hành tổng kiểm kê tài sản. Đồng thời đã tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý tài chính trong kinh doanh xuất nhập khẩu, chống thất thu thuế trên địa bàn; từng bước chấn chỉnh cách thức quản lý tài chính, thu thuế cho phù hợp với những điều kiện mới mẻ của kinh tế thị trường.Thời kỳ kinh tế phát triển 1996-2000, ngành tài chính Lạng Sơn triển khai thực hiện quản lý theo Luật ngân sách nhà nước.
|
Sở Tài chính Lạng Sơn trên phố Thân Thừa Quý Ảnh: Thanh Sơn |
Thời kỳ đầu của thế kỷ XXI, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001- 2010, công tác thu ngân sách được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, khai thác thêm nguồn thu, chống thất thu, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, kết quả thu ngân sách nhà nước hàng năm luôn đạt và vượt dự toán Trung ương và tỉnh giao. Công tác chi ngân sách đã có những đổi mới rõ rệt, thông qua thực hiện cải cách một bước thủ tục hành chính trong cấp phát ngân sách, bỏ khâu trung gian, cấp thẳng cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo dự toán đã được duyệt và sau chuyển sang hình thức rút dự toán tại kho bạc. Công tác quản lý giá và tài sản đã có chuyển biến tích cực về nhận thức vai trò trong tình hình mới. Kết quả đã đạt được những thành tích cơ bản trong điều hành giá cả thị trường, tác động bằng hành loạt các biện pháp, cơ chế, chính sách thuế, phí, lệ phí, bình ổn được giá cả thị trường tạo thuận lợi cho cho đầu tư phát triển.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, ngành tài chính Lạng Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999, hạng Nhất năm 2004, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009 và nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, toàn ngành tài chính Lạng Sơn đang nỗ lực bằng các giải pháp cụ thể để huy động, khai thác các nguồn lực tăng vốn cho đầu tư phát triển. Phấn đấu tăng thu ngân sách, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách để góp phần điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chương trình có hiệu quả. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện lành mạnh tài chính công, bảo đảm chi ngân sách tập trung cho đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm.
Triệu Thị Thúy Lan
Ý kiến ()