Ngành phân bón bước vào giai đoạn hưởng lợi trong ngắn hạn
Chính sách thuế mới, giá nguyên liệu đầu vào thấp, nhu cầu gieo trồng của nông dân đang được kích thích được coi là những yếu tố giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón gia tăng lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, ngành phân bón đang vào giai đoạn hưởng lợi trong ngắn hạn với điểm sáng là chính sách thuế mới, giá nguyên liệu đầu vào thấp, nhu cầu gieo trồng của nông dân đang được kích thích.
Dự thảo thuế giá trị gia tăng mới áp dụng cho ngành phân bón đang trình Quốc hội. Điểm đổi mới chính trong dự thảo này là chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 5%.
Theo các chuyên gia, chính sách thuế giá trị gia tăng mới này giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Funal (FNS) cho thấy, chính sách thuế giá trị gia tăng mới khi thông qua sẽ giúp doanh nghiệp phân bón gia tăng “room” cạnh tranh về giá trên thị trường với sản phẩm ngoại. Đồng thời, giữ lại lợi nhuận phần nào cho nhà đầu tư vì giảm chi phí giá thành sản xuất do khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Báo cáo của FNS cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp sản xuất phân NPK về mặt định lượng sẽ hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp sản xuất đạm do thuế suất đầu vào của ngành phân đạm là 10% trong khi thuế suất đầu vào của NPK là 5%.
Do đó, chính sách khấu trừ thuế giá trị gia tăng 5% sẽ gần như khấu trừ toàn bộ chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào của ngành sản xuất NPK, trong khi ngành sản xuất phân đạm vẫn phải gánh trên vai 5% còn lại thuế giá trị gia tăng đầu vào trong giá thành.
Đơn cử như với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Đạm Phú Mỹ (mã DPM), chính sách thuế mới ước tính sẽ giúp DPM tiết kiệm chi phí và tăng tính cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.
Hiện tại, phân bón là mặt hàng không tính thuế giá trị gia tăng đầu ra nên DPM không được khấu trừ 10% thuế giá trị gia tăng đầu vào, tức chi phí đầu vào đã và đang bị đội lên cao 5-10% so với việc áp dụng biểu thuế giá trị gia tăng 5% thay vì không phải chịu thuế giá trị gia tăng như hiện nay.
Nếu chính sách thuế mới này được thông qua, thì DPM sẽ giảm giá vốn hàng bán khoảng 5-10% so với hiện tại. Các chuyên gia của FNS nhìn nhận việc chính sách thuế mới sẽ giúp DPM có thêm “dư địa” để ban hành các chính sách giá cạnh tranh mạnh mẽ hơn với đối thủ phân nhập khẩu trên thị trường. Theo đó, DPM có nhiều khả năng hơn trong gia tăng thị trường hay chính là gia tăng sản lượng.
Bên cạnh đó, giá than, giá khí đều đang ở vùng đáy cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp phân bón có thêm lợi nhuận. Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân đạm, khí tự nhiên chiếm 60-70% giá thành sản phẩm nên giá khí thấp sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận do giá bán sản phẩm thường giảm ít hơn tốc độ giảm của giá đầu vào.
Giá hàng hóa nông nghiệp tăng cao được kỳ vọng sẽ kích thích người dân gia tăng gieo trồng. Các hàng hóa nông nghiệp chính đều hồi phục mạnh mẽ sau đợt dịch bệnh do gián đoạn nguồn cung từ phía Trung Quốc.
Giá thị trường tăng sẽ tạo thêm động lực để nông dân Việt mở rộng diện tích gieo trồng. Nhóm nghiên cứu của FNS kỳ vọng đà giảm diện tích gieo trồng nông nghiệp sẽ bị chặn lại trong vài năm tiếp theo, hoặc ít nhất là giảm với tốc độ chậm lại.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành phân bón trong dài hạn vẫn còn. Diện tích gieo trồng đang trong xu hướng giảm là điểm trừ cho bức tranh ngành phân bón. Các mặt hàng cây nông nghiệp chính đều giảm về mặt diện tích gieo trồng.
Nguyên nhân của vấn đề trên gồm: hệ quả tất yếu của đô thị hóa và công nghiệp hóa, thời tiết thất thường khiến hiệu quả kinh tế gieo trồng giảm nên nông dân rời xa nghề nông, chuyển dịch sang ngành nghề khác.
Một khó khăn nữa cho ngành phân bón là thị trường phân bón đã vào giai đoạn bão hòa, cung vượt cầu. Theo Tổng cục Thống kê, tổng diện tích trồng trọt ở Việt Nam đã đạt mức ổn định kể từ năm 2000 với 11 triệu hécta, tập trung vào các giống cây trồng trọng điểm như lúa, cao su, điều, tiêu, trái cây.
Cầu tiêu thụ các sản phẩm phân bón đạt 11 triệu tấn/năm; trong đó NPK là loại phân bón được tiêu thụ nhiều nhất với tổng cộng 3,8 triệu tấn/năm, còn cầu Ure ổn định trong khoảng 2-2,2 triệu tấn/năm.
Trong số đó, miền Nam tiêu thụ gần 60% tổng lượng phân bón cả nước. Đặc biệt, mùa vụ cầu tiêu thụ phân bón lên cao nhất là quý 1 và quý 2, đây là thời điểm canh tác các vụ mùa chính là Đông Xuân và Hè Thu.
Trên thị trường NPK, các doanh nghiệp nội địa đáp ứng 92% nguồn cung (4 triệu tấn/năm) và nhập khẩu 350,000 tấn/năm. Chất lượng sản phẩm NPK các loại cũng khá đa dạng, 60-70% sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ phối trộn thô (3 hạt) sử dụng các nguyên liệu đầu vào là các loại phân đơn mang ba yếu tố N (ure), P (photspho) và K (kali) để tạo ra sản phẩm phân bón phức hợp NPK.
Cả nước hiện đang có khoảng 300 cơ sở sản xuất NPK; trong đó gồm 150 đơn vị nhỏ lẻ, sử dụng dây chuyền và công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm trên thị trường không đồng đều.
Lường trước được những khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều “dè dặt” khi đặt mục lợi nhuận cho năm tài chính 2020. Tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Đạm Phú Mỹ ban lãnh đạo công ty xác định sẽ có nhiều khó khăn thách thức với thị trường phân bón nên đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 9.237 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, tăng nhẹ 11% so với mức thực hiện năm 2019 và kế hoạch đặt ra năm 2019.
Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM ), năm 2020 đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 7.956,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 52 tỷ đồng, kế hoạch doanh thu đi ngang nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh so với con số lợi nhuận năm 2019 là 425,8 tỷ đồng./.
Ý kiến ()