Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch năm 2025
- Ngày 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, sự chủ động, nỗ lực của toàn ngành, ngành NN&PTNT vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện.
Nổi bật như tăng trưởng toàn ngành ước khoảng 3,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao; phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án lớn; cả nước có 78,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành NN&PTNT vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng chậm, hiệu quả chưa cao; hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai ở một số nơi chưa đủ năng lực chống chịu trước cấp độ, tần suất, diễn biến dị thường của thiên tai; vốn đầu tư công bố trí từ đầu năm 2024 chỉ đáp ứng khoảng 48% nhu cầu...
Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 64-65 tỷ USD; phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2024 liên quan đến công tác khắc phục khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp; tình hình xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản; tiến độ triển khai xây dựng nông thôn mới... Đồng thời các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 ngành NN&PTNT đề ra.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận và trân trọng những kết quả mà ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2024. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch năm 2024, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm để ngành NN&PTNT thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2025.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy phát triển ngành nhanh, bền vững; đẩy mạnh hơn nữa phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức; tập trung sắp xếp bộ máy không bỏ sót, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát....
Cùng với đó, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành, thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát huy các sản phẩm lợi thế, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược trong phát triển nông nghiệp; thực hiện tốt liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp, khoa học, ngân hàng) trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và các chuỗi cung ứng; đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản bền vững; phát triển bền vững lâm nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, chế biến gỗ; thực hiện tốt công tác phân cấp, phân quyền trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng nông thôn; đẩy mạnh ngoại giao nông nghiệp...
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành NN&PTNT tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, giá trị gia tăng toàn ngành đạt 2,78%, tỷ trọng ngành chuyển dịch đúng hướng chiếm 21,51% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng 64,1%; 109/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới 37 hợp tác xã nông nghiệp...
|
Ý kiến ()