Ngành nông nghiệp thích ứng linh hoạt theo tín hiệu thị trường
Dù thời tiết khó khăn, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thích ứng linh hoạt theo tín hiệu thị trường.
Đối mặt với vô vàn khó khăn bởi thời tiết, dịch bệnh trong sản xuất, đặc biệt là dịch COVID-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng-tiêu thụ nông sản, nhưng ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thích ứng linh hoạt theo tín hiệu thị trường.
Thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dự báo còn diễn biến khó lường; tiêu thụ nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa khống chế hoàn toàn, nhưng ngành nông nghiệp vẫn hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 2,5-3%; kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD.
Linh hoạt sản xuất, tiêu thụ
Khi dịch COVID-19 mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc, việc hạn chế giao dịch hàng hóa đã tác động ngay đến sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là với trái cây chưa được chế biến. Ngay lập tức, hầu hết các mặt hàng này giảm giá, rơi vào tình trạng khó tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tất cả những thương thảo, chương trình xúc tiến thương mại nông sản với các nước đều bị tạm dừng.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, ráo riết nhưng cũng cần bình tĩnh, các đơn vị, địa phương nhận dạng kỹ, chính xác về tình hình dịch bệnh này tác động đối với ngành và xây dựng kịch bản sản xuất cùng các nhóm giải pháp cụ thể.
Trong khi đó, sản xuất cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường với hàng trăm trận mưa đá, dông lốc trên diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt mức lịch sử năm 2015-2016 với sự xuất hiện sớm, vào sâu và duy trì trong thời gian dài.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hạn, mặn đến sớm và kéo dài đến tận 5 tháng, trong khi hàng năm chỉ 2 tháng; thậm chí tỉnh Bến Tre lần đầu tiên không còn xã nào là không bị hạn, mặn.
Nhưng nhờ nhận định, dự báo sớm tình trạng hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công vượt kế hoạch các công trình thủy lợi từ 6-13 tháng, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô này.
Bên cạnh đó, ngành đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10-30 ngày. Do đó, tuy là vụ sản xuất trong điều kiện rất khó khăn nhất nhưng nông dân đã được mùa, được giá. Năng suất lúa đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng đạt trên 11 triệu tấn.
Nhận thấy, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu an ninh lương thực trên thế giới tăng cao, ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng lúa Hè Thu, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước. Hiện một số địa phương đang thu hoạch lúa Hè Thu với năng suất cao, được giá.
Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, an ninh lương thực trong nước, gạo cũng là mặt hàng đứng đầu về tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Giá xuất khẩu tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
Ngoài ra, một số loại cây công nghiệp lâu năm như càphê, tiêu, điều, chè đều có sản lượng tăng từ 2,5-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cây ăn quả chính như xoài, chuối, thanh long, cam, bưởi, vải thiều… cũng có sản lượng tăng từ 4-20%.
Tuy gặp khó trong xuất khẩu do dịch, nhưng năm nay, trái cây Việt lại làm nên kỳ tích mới. Sau rất nhiều nỗ lực, một hành trình đầy gian nan, quả vải thiều tươi đã được đưa tới “đất nước Mặt trời mọc,” loại hoa quả tươi thứ tư của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối đã thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm trái cây; trong đó có vải thiều xuất khẩu sang các thị trường mới như Australia, Hoa Kỳ…; hỗ trợ thủ tục kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc với các thị trường xuất khẩu, cập nhật thông tin yêu cầu của thị trường Trung Quốc.
Sau nhiều năm liên tục với sự tăng trưởng mạnh nhưng trước tác động của dịch COVID-19 các mặt hàng lâm sản xuất khẩu đã có tháng bị tăng trưởng âm khi có tới 80% khách hàng dừng hoặc hủy đơn hàng; hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Trước tình hình trên, Bộ đã kịp thời tổ chức hội nghị bàn giải pháp khôi phục ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.
Nhờ vậy, xuất khẩu lâm sản đã nhanh chóng lấy lại sự tăng trưởng dương trong tháng Sáu vừa qua. Từ những tín hiệu thị trường, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết ngành lâm nghiệp vẫn hướng đến đảm bảo mục tiêu giá trị xuất lâm sản năm 2020 đạt 12 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019.
Không được sáng màu như lâm sản, tuy sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng vẫn có sự tăng trưởng tốt, nhưng xuất khẩu lại chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, giảm mạnh tới hai con số, trên 10%; trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất.
Để thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức sự kiện kết nối sản xuất, tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra. Nhiều doanh nghiệp phân phối và sản xuất đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Trong chăn nuôi, nhờ sự tăng mạnh đàn gia cầm nên sản lượng thịt tăng mạnh 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái; ngoài ra trứng, sữa bò tươi, trâu, bò… cũng đều tăng trưởng khá, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Riêng sản lượng thịt lợn, sau sụt giảm do dịch tả lợn châu Phi trong 6 tháng đầu năm đã đạt 1,7 triệu tấn, bằng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung sản lượng thịt hơi các loại đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản lượng thịt lợn nhập khẩu đã tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Cùng với việc đẩy mạnh tái đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến đến cuối quý 3 này, đầu quý 4 tới đảm bảo cơ bản nhu cầu lợn giống, lợn thương phẩm.
Bám sát tín hiệu thị trường
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành tiếp tục rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi như gạo, cây ăn quả…; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến.
Nắm bắt cơ hội từ nhu cầu thị trường lúa gạo đang tăng cao, khả năng xuất khẩu tốt, Cục Trồng trọt xây dựng các phương án tối ưu nhất cho sản xuất vụ Thu Đông 2020 với 800.000ha. Điều này vừa tăng lợi nhuận ở vụ lúa Thu Đông và một phần bù đắp cho sản lượng thiếu hụt từ sản xuất lúa vụ Đông Xuân do ảnh hưởng của hạn, mặn.
Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết Cục sẽ cùng các đơn vị, địa phương theo dõi diễn biến lũ, bão và kiểm soát tình hình sản xuất lúa Hè Thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ Thu Đông. Các giống lúa chủ lực xuất khẩu sẽ chiếm tỷ lệ từ 50-60%; hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình.
Tuy dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt nhưng do đây là loại bệnh rất nguy hiểm nên việc tái đàn, tăng đàn còn gặp nhiều khó khăn.
Các đơn vị chuyên môn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; phổ biến mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và bảo đảm nguồn lợn giống, lượng thức ăn chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu.
Với thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng muốn mở rộng sản xuất, giá ổn định hơn thì ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu phải coi trọng thị trường trong nước để phát triển bền vững.
Mở rộng được thị trường trong nước sẽ giúp thủy sản đạt mục tiêu “kép” vừa tăng sản lượng, tăng giá trị và tạo ra thị trường tiêu thụ với sản phẩm đa dạng.
Đặc biệt, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch COVID-19 , nhưng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA được kỳ vọng sẽ là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm nông sản của Việt Nam cạnh tranh hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục giải quyết các rào cản kỹ thuật, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, Hoa Kỳ, Brazil….
Ngành sẽ khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định Thương mại tự do đem lại, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực./.
Ý kiến ()