Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 33 tỷ USD
Ngành nông nghiệp chủ động thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 3,05% so với năm 2016, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 33 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm cần rà soát chiến lược, quy hoạch, cơ cấu lại các ngành hàng sản xuất cụ thể phù hợp với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung hoặc điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền, phù hợp với lợi thế, tiềm năng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điều chỉnh quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng cung vượt cầu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của ngành. Tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch cao su, hồ tiêu, mía đường đến năm 2020; rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Theo Bộ NN&PTNT, nhằm phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 33 tỷ USD, cần đẩy mạnh tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước, tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất. Đáng chú ý, cần nâng cao chất lượng công tác phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, EU,…); kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Ngành nông nghiệp cũng xác định khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao sản xuất và giá trị gia tăng. Thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến. Khuyến khích liên kết giữa các tổ chức của nhà nước với các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Với ngành trồng trọt, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2% so với năm 2016. Theo Bộ NN&PTNT, cần có giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng chủ yếu. Đối với lúa, tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao để chuyển mạnh cơ cấu theo hướng không tăng lượng nhưng tăng giá trị. Thực hiện chủ trương chuyển mạnh đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất; giảm dần diện tích sản xuất lúa, sắn. Bên cạnh đó, bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất (thời vụ gieo trồng, cơ cấu và diện tích cây trồng); đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ở những vùng thường xuyên bị thiên tai như Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Về lĩnh vực chăn nuôi, dự kiến cả năm giá trị sản xuất tăng khoảng 3%; riêng chăn nuôi lợn tăng 2%, gia cầm tăng 4%, sữa tăng 12% và trứng tăng 10%. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, ngành chăn nuôi cần tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, nhất là thúc đẩy tiêu thụ lợn, gia cầm.
Với thị trường trong nước, lĩnh vực chăn nuôi cần tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,…đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm chăn nuôi, giảm các chi phí trung gian. Đối với thị trường nước ngoài, tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, hiệp định thú y, chứng nhận kiểm dịch với các thị trường nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Trên lĩnh vực sản xuất thủy sản, Bộ NN&PTNT yêu cầu cần tổ chức tốt hoạt động khai thác xa bờ; tăng cường đầu tư thiết bị bảo quản chế biến trên tàu khai thác; nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành tôm, tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác đối với các hộ nhỏ lẻ; thực hiện liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Phổ biến để nhân rộng các mô hình hiệu quả từ thực tiễn sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; tăng cường thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.
Với lĩnh vực lâm nghiệp, cần triển khai đồng bộ các kế hoạch, tập trung rừng trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời, triển khai quyết liệt chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tới từng đơn vị và địa phương, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Hoàn thiện, tổ chức thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và lâm sản gỗ (VPA/FLEGT) với EU, tạo điều kiện phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()