Ngành nông nghiệp: Một năm vượt khó
(LSO) – Năm 2019, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như: diễn biến thời tiết bất thường, tình hình dịch bệnh, đặc biệt là diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi,… Tuy nhiên, với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, của ngành nông nghiệp và người dân, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Những khó khăn
Năm 2019, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt, trong chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao; điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế. Trong đó, đối với đàn lợn, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 11/11 huyện, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 153.855 con với tổng trọng lượng là 8.441 tấn. Trên đàn gia cầm cũng xảy ra bệnh cúm gia cầm A/H5N6, xảy ra tại 3 huyện: Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng.
Người dân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng thụ phấn cho na
Cùng với đó, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, sâu bệnh trên cây trồng phát sinh, phát triển. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi sâu vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giá trị gia tăng thấp; sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như các loại rau, cây ăn quả quy mô còn hạn chế, sản lượng chưa nhiều; việc nhân rộng mô hình có hiệu quả vào sản xuất đại trà còn gặp nhiều khó khăn;…
Kết quả tích cực
Vượt qua những khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc sở NN&PTNT cho biết: Năm 2019, các nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đều đảm bảo hoàn thành. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp tăng 2,8%; tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung cho các nhóm sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương gắn với lợi thế của từng vùng sản xuất và nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm chủ lực tiếp tục được quan tâm đầu tư và mang lại giá trị cao như: na đạt trên trên 1.200 tỷ đồng; hồi đạt trên 2.400 tỷ đồng; ớt giá trị thu được trên 643 tỷ đồng…
Nhiều chỉ tiêu đạt, vượt so với cùng kỳ 2018, trong đó, tổng sản lượng lương thực ước đạt 314,9 nghìn tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4,6 triệu con, tăng 9,9% so với cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 1.260 ha, vượt 5% kế hoạch, sản lượng 1.900 tấn, đạt 100% kế hoạch. Lĩnh vực lâm nghiệp có chuyển biến trong công tác chỉ đạo, thực hiện. Toàn tỉnh trồng mới được 10.000 ha rừng vượt 11,1% kế hoạch, tăng 92,6% so với cùng kỳ 2018. Trồng cây ăn quả đạt 722 ha, vượt 28,9% kế hoạch, tăng 100,1% so với cùng kỳ 2018;…
Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay sau khi xảy ra trên địa bàn, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh lây lan. Đến nay, dịch bệnh đã được khống chế và đẩy lùi, tính đến hết tháng 11/2019 toàn tỉnh có 216 xã đã qua 30 ngày không phát dịch; bệnh cúm gia cầm A/H5N6 được xử lý hoàn toàn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện đồng bộ, trên địa bàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 1 xã so với kế hoạch (xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan). Trong số các xã nông thôn mới, lần đầu tiên có 2 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn, là xã Cao Minh, huyện Tràng Định và xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn. Từ đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 61 xã, đạt 29,5%; bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 11,5 tiêu chí/xã.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, thúc đẩy các lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm nông sản có ưu thế và giá trị gia tăng cao. Chú trọng triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, sử dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm. Triển khai toàn diện, quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Nâng cao chất lượng chương trình nông thôn mới bằng mô hình nông thôn kiểu mẫu.
Ý kiến ()