Ngành nông nghiệp cần coi trọng công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Năm 2021, dịch COVID-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành; đổi mới mô hình tăng trưởng; khơi thông nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Qua đó, năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao.
Một số kết quả cụ thể như: tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 2,85 – 2,9%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; có 68,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm chất lượng; thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực NN&PTNT…
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021, ngành NN&PTNT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều; việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện dịch COVID-19 còn chậm; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” trong việc đánh bắt hải sản; khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền khá lớn.
Năm 2022, ngành NN&PTNT phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng đạt 2,8 – 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 2,9 – 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 73%; thành lập mới 1.500 hợp tác xã nông nghiệp…
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, ngành hàng đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được trong lĩnh vực NN&PTNT năm 2021. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ ngành NN&PTNT năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả mà ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2021.
Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng yêu cầu: Ngành NN&PTNT cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác; giá trị gia tăng cao hơn. Muốn làm được như vậy, ngành cần đặt ra các mục tiêu cao hơn, bám sát tình hình thực tế để cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp; coi trọng công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch; tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển theo chiều sâu, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm; đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy khả năng cạnh tranh sản phẩm, sản xuất các sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch; tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó làm tốt công tác dự báo thị trường; tập trung xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nông dân, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2021, sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp đạt 5,86%, cao nhất trong 5 năm gần đây, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm trước. |
Ý kiến ()