Ngành NN&PTNT: Nâng cao năng lực, trình độ cán bộ
LSO- Những năm qua, Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặc biệt chú trọng đến nâng cao năng lực, trình độ cán bộ. Gắn kết được các khâu trong công tác cán bộ từ giáo dục chính trị tư tưởng đến đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển… góp phần quan trọng nâng cao toàn diện về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong giai đoạn 2011-2015
Là một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gồm: 7 chi cục, 3 trung tâm, 2 ban quản lý, 8 phòng chức năng, với tổng số trên 600 cán bộ, những năm qua, ngành NN&PTNT luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, viên chức, người lao động. Đảng ủy, cấp uỷ các chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, triển khai sâu rộng việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; chú trọng công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tăng cường phổ biến thông tin thời sự, định hướng dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: thông qua học tập đã tạo cho ngành một khối đoàn kết thống nhất ý chí và hành động; mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nói, viết và làm theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa ngành vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Song song với đó, quy hoạch cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được lãnh đạo sở xác định là nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Quy hoạch và luân chuyển cán bộ liên quan chặt chẽ và không tách rời với các khâu đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển.
Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo phương châm “động” và “mở”. Một người quy hoạch nhiều chức danh và một chức danh quy hoạch nhiều người. Nguồn quy hoạch cả ở trong và ngoài đơn vị trực thuộc khác.
Giai đoạn 2011-2015, toàn ngành đã cử 412 lượt người đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc; 60 người học quản lý nhà nước chương trình chuyên viên; 21 người học chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, cao cấp lý luận chính trị. Đánh giá cán bộ được coi trọng trước khi quy hoạch, bổ nhiệm. Các nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ đều được gửi cho các cơ quan có thẩm quyền. Ngành đã chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trực thuộc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo ở cấp mình, song song với đó là rà soát, đánh giá, bổ sung những nhân tố mới vào quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Trong 5 năm đã đề bạt bổ nhiệm 117 người.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: trong nhiệm kỳ vừa qua, điểm dễ nhận thấy nhất là tỷ lệ cán bộ quản lý trẻ (dưới 35 tuổi) đã tăng lên. Đối với cán bộ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực, ban giám đốc sở đã mạnh dạn bổ nhiệm. Có những trường hợp bổ nhiệm phó trưởng phòng hay phó giám đốc trung tâm ở độ tuổi 26-28. Qua thực tiễn cho thấy, các cán bộ này đã phát huy tốt năng lực của mình, kết hợp với kinh nghiệm của cán bộ đi trước có nhiều sáng kiến, giải pháp tích cực trong công tác.
Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, đề bạt, luân chuyển kết hợp với thực hiện tốt chính sách cán bộ tạo sự đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị, toàn ngành hình thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm được giao. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt trên 3,8%/năm; cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và chăn nuôi. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()