Ngành ngân hàng tỉnh: Chung tay xóa tín dụng “đen”
(LSO) – Phát triển các chương trình tín dụng với lãi suất phù hợp, giúp người dân dễ dãng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn là những giải pháp mà ngành ngân hàng Lạng Sơn đã và đang triển khai để cùng các cơ quan chức năng xóa tín dụng “đen” trên địa bàn.
Đẩy mạnh các chương trình tín dụng
Tháng 4/2019, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn dành nguồn vốn nhất định để phát triển các gói sản phẩm cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu đông người lao động với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian xét duyệt vốn vay nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đóng vai trò quan trọng trong việc đưa vốn về nông thôn. Tính đến tháng 7/2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai hiệu quả 14 chương trình vốn vay cho 95.329 hộ dân với tổng dư nợ 2.722 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thời điểm cuối năm 2018. Trong đó, từ tháng 3/2019, ngân hàng đã nâng gói cho vay hộ nghèo, cận nghèo để phát triển sản xuất lên mức 100 triệu đồng.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn người dân xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ảnh: YÊN SƠN
Agribank Lạng Sơn và một số ngân hàng thương mại lớn như: BIDV Lạng Sơn, Vietinbank Lạng Sơn đã triển khai hiệu quả 9 chương trình tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó có các gói vay ưu đãi lãi suất thấp – chỉ 5,5%/năm. Tính đến tháng 8/2019, có 129.812 cá nhân, hộ kinh doanh tiếp cận được nguồn vốn vay với dư nợ gần 14.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các gói vay tiêu dùng theo hình thức “tín chấp”, không cần tài sản đảm bảo cũng được nhiều ngân hàng triển khai hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Theo nhận định của chi nhánh, nhiều người dân tìm đến tín dụng “đen” chỉ để vay tiền đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân, gia đình thời điểm đó mà không lường hết được việc phải trả số tiền lãi lớn sau này. Do vậy, để góp phần xóa tín dụng “đen”, BIDV Lạng Sơn đã triển khai và quảng bá rộng gói vay tiêu dùng, trong đó đại đa số là theo hình thức tín chấp. Hiện tại, chi nhánh đã đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng cho 2.180 khách hàng với dư nợ 450 tỷ đồng.
Để khách hàng đúng là “thượng đế”
Hầu hết người dân tìm đến tổ chức tín dụng “đen” khi không tiếp cận được với ngân hàng, không biết hoặc ngại thực hiện các thủ tục để vay vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đen thường “mồi chài” người dân bằng hình thức cho vay đơn giản, có tiền ngay, lại bí mật không ngại nhiều người biết. Do vậy, để góp phần hạn chế vấn đề này, các ngân hàng thương mại đã chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ người dân theo đúng nghĩa “khách hàng là thượng đế” để người dân tin tưởng, chủ động đến với ngân hàng.
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Đối với những khách hàng khu vực nông thôn ít tiếp xúc với ngân hàng, nhân viên tín dụng của chi nhánh có thể đến tận nhà để hướng dẫn, hỗ trợ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để người dân hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất kinh doanh. Agribank Lạng Sơn đã quán triệt đến từng nhân viên là không để khách hàng quay lưng chỉ vì thái độ của cán bộ và chất lượng dịch vụ của ngân hàng.
Nhân viên Agribank Lạng Sơn tư vấn thủ tục ngân hàng cho khách hàng
Cùng với việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, việc đồng hành với khách hàng khi có rủi ro trong việc sử dụng vốn cũng được Ngân hàng Nhà nước quán triệt đến từng ngân hàng thương mại. Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần xem xét định kỳ hạn nợ phù hợp với từng đối tượng khách hàng; kịp thời gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi khách hàng vay gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn. Qua đó giúp khách hàng không phải tìm đến tín dụng “đen” để đáo hạn ngân hàng.
Điển hình như trong tháng 7/2019, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt triển khai hỗ trợ hơn 300 hộ vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, mở ra cơ hội giúp người dân đầu tư trở lại. Ông Hoàng Đình Huấn, thôn Tân Yên, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia chia sẻ: Gia đình tôi vay 150 triệu đồng của ngân hàng nông nghiệp để đầu tư chăn nuôi lợn thịt, dịch bệnh làm lợn chết hết, nếu ngân hàng không giãn nợ và giảm lãi suất từ 10% xuống còn 7%/năm thì gia đình chắc phải vay ngoài để trả lãi chứ chưa nói đến việc trả tiền gốc.
Với sự đồng hành của ngân hàng, người dân ngày một tin tưởng và đến với ngân hàng hơn mỗi khi có nhu cầu về tài chính. Đây là một trong những vấn đề quan trọng để tín dụng “đen” không còn “đất sống”. Và ngành ngân hàng tỉnh đang góp phần quan trọng xóa bỏ hoạt động tín dụng “đen” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoạt động an ninh tiền tệ và trật tự xã hội trên địa bàn.
YÊN SƠN
Ý kiến ()