Ngành ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn
Triển khai kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, sáu tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý, đáp ứng yêu cầu thanh toán của nền kinh tế; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp diễn biến tiền tệ và các cân đối vĩ mô.
Triển khai kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, sáu tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý, đáp ứng yêu cầu thanh toán của nền kinh tế; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp diễn biến tiền tệ và các cân đối vĩ mô.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ
Sáu tháng qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế, các nhu cầu thanh toán, nhất là trong dịp Tết Quý Tỵ năm 2013; theo dõi chặt chẽ thị trường tiền tệ, tình hình thanh khoản, tăng trưởng tín dụng và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm khả năng thanh khoản cho các TCTD nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm; điều hành lượng tiền cung ứng một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa các kênh, mua được một lượng lớn dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng đã linh hoạt hút tiền về để điều tiết tiền tệ một cách hợp lý, phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm an toàn hệ thống.
Trước những diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ngoại hối, trong sáu tháng đầu năm 2013, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất huy động ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên với mức giảm 0,5% – 2%/năm.
Trên cơ sở định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 12%, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 cho các nhóm TCTD căn cứ vào tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD và yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao, bảo đảm việc mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng.
Trong sáu tháng đầu năm 2013, NHNN đã xem xét cho phép các TCTD tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp (DN) thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; nhập khẩu xăng, dầu mà DN không có nguồn thu ngoại tệ; cho vay ngắn hạn nhằm thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đến hết ngày 31-12-2013; chấp thuận nhiều trường hợp được cấp tín dụng vượt giới hạn đối với các dự án cấp bách, trọng điểm; tổ chức các đoàn công tác của Ban lãnh đạo NHNN đến làm việc với chính quyền và DN các tỉnh, thành phố để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giữa DN và ngân hàng; phối hợp Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, góp phần giải quyết tồn kho cho thị trường bất động sản; phối hợp các bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên nhằm thu hút các DN tập trung đầu tư vào những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn này.
Ðặc biệt, để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản theo Công văn 1149/TTg-KTN ngày 8-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29-5-2013, NHNN đã có văn bản đề nghị năm NHTM nhà nước xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay đã giải ngân trước ngày 13-5-2013 và còn trong hạn, tiếp tục cho vay mới với lãi suất 10%/năm đối với các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, DN phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra, tôm xuất khẩu; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều gói cho vay hỗ trợ, trong đó gần đây nhất là gói hỗ trợ trồng cây cà-phê ở khu vực Tây Nguyên với tổng giá trị khoảng 12 nghìn tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các chương trình tín dụng chính sách như cho vay hộ cận nghèo.
Thị trường tiền tệ, tín dụng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực
Tổng phương tiện thanh toán tăng khá, thể hiện sự thành công trong việc chuẩn bị nguồn lực tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Ðến cuối tháng 5-2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012. Trong đó, huy động vốn VND tăng 7,55% mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được điều chỉnh giảm đáng kể, đây là nguồn vốn dồi dào và ổn định để các TCTD có dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng và bảo đảm thanh khoản ổn định, không biến động căng thẳng như các năm trước.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 2-4%/năm so với đầu năm 2013. Lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và thấp hơn năm 2007 là điều kiện tốt để các DN sản xuất, kinh doanh tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Lãi suất của các khoản cho vay cũ giảm mạnh, thời gian tới sẽ tiếp tục giảm do từ đầu tháng 5-2013, bốn NHTM nhà nước đã cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức trần 13%/năm.
Tín dụng đối với nền kinh tế tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức cầu yếu, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế, phản ánh nỗ lực của NHNN và hệ thống TCTD trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối tháng 5-2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012; trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%, góp phần quan trọng hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
NHNN đã khẩn trương hoàn thành, báo cáo Bộ Chính trị và trình Chính phủ phê duyệt Ðề án tổng thể xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Ðề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (tại Quyết định số 843/QÐ-TTg ngày 31-5-2013). NHNN cũng đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… để công ty này đi vào hoạt động ngay khi nghị định có hiệu lực thi hành (ngày 9-7-2013).
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm
Trong những tháng cuối năm 2013, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012. Cụ thể là:
Ðiều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý, phù hợp tình hình vốn khả dụng của các TCTD, lãi suất thị trường liên ngân hàng và mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Ðiều hành các mức lãi suất phù hợp diễn biến lạm phát, thị trường tiền tệ, kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, nhằm bảo đảm khả năng huy động vốn của TCTD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ðiều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, phù hợp mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD để bảo đảm mở rộng tín dụng phù hợp khả năng huy động vốn của TCTD và định hướng tín dụng, đồng thời kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất đã triển khai trong năm 2012 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khả năng tiêu thụ sản phẩm, tình hình sản phẩm tồn kho của các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng…, cũng như các khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trên cơ sở đó triển khai các giải pháp về tín dụng, lãi suất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()