Ngành ngân hàng nỗ lực phối hợp đẩy lùi tín dụng đen
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.
Toàn cảnh hội nghị. |
Cảnh báo tín dụng đen núp bóng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáng chú ý, Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55 đã nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, đây điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết thêm, đối tượng vay nặng lãi thường là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu vùng xa không có hiểu biết, đối tượng cờ bạc cá độ bóng đá… Các đối tượng cho vay nặng lãi thường không quy định lãi suất cụ thể mà thường tính lãi suất theo ngày; thu nợ với nhiều hình thức trái pháp luật, thuê xã hội đen. Đáng lo ngại là tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa kết nối ngân hàng và khách hàng…
Cải tiến tạo thuận lợi tối đa hình thức cho vay chính thống
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng thường xuyên tăng cường sự phối hợp với các cơ quan công an, sở ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội và tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Đại diện cơ quan công an, ông Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, đánh giá tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay, không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố lớn. Đặc điểm chung là các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn, nhưng nguy hiểm là khi đòi nợ, nếu không trả nợ thì bỏ nhà đi trốn nhưng cũng không được vì bị xã hội đen tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan… Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê, các công ty tài chính cấp phép hoặc không được cấp phép, các tổ chức biến tướng huy động vốn với lãi suất rất cao, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, góp hội, họ, phường, dưới hình thức cho vay trực tuyến, cho vay online…
Về phía ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, ngành ngân hàng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc; phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch đặc biệt tại các “điểm nóng” tín dụng đen.
Đồng thời, dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phầm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN, Nghị định 116 có một số điểm mới như nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ.
Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cần triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn với hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro trong cho vay.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()