Ngành ngân hàng: Nỗ lực giải quyết nợ xấu
LSO- Bắt đầu từ năm 2012, nợ xấu trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Hệ thống ngân hàng tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp giải quyết nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh, giúp doanh nghiệp vực dậy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lạm phát, khó khăn. Những tháng đầu năm 2014, nợ xấu không những không giảm mà tiếp tục tăng. Do vậy, toàn ngành ngân hàng tỉnh đang nỗ lực với nhiều giải pháp, trong đó tập trung cơ cấu lại nợ, giãn nợ và thực hiện các quy định về giảm lãi suất cho vay.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển
Hiện nay, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 420 tỷ đồng, chiếm 3,97% tổng dư nợ, tăng 18,4% so với thời điểm 31/12/2013. Nợ xấu chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp, chiếm 81,9% tổng nợ xấu toàn địa bàn. Khác với 2 năm trước, số nợ xấu phát sinh từ đầu năm đến nay không chỉ từ các công trình, dự án lớn mà còn có nhiều ở các ngành công nghiệp, dịch vụ. Nguyên nhân nợ xấu gia tăng vẫn là doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: giá cả chi phí sản xuất tăng, đầu ra cho sản phẩm thấp, hàng tồn kho nhiều… Để phấn đấu giải quyết cơ bản nợ xấu từ nay đến năm 2015, ngành ngân hàng tỉnh đã tiếp tục quán triệt các biện pháp giảm lãi suất, xem xét, cơ cấu lại nợ cho khách hàng tại các ngân hàng thương mại. Bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Vì vậy, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo sát sao các ngân hàng về công tác tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, trích lập rủi ro; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thu nợ của các ngân hàng thương mại. Thực hiện sự chỉ đạo đó, trong những tháng đầu năm 2014, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại để cùng tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thủ tục tín dụng cũng như sản xuất, kinh doanh, giải quyết nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động đó, trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng đã cơ cấu lại tổng số nợ là 79,2 tỷ đồng. Lãi suất huy động và cho vay đúng theo quy định, giảm 1% so với cuối năm 2013. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên còn 8%/năm trở xuống, lãi suất cho vay các lĩnh vực khác cao nhất là 14%/năm. Trong thực tế, nhiều ngân hàng còn linh động áp dụng các mức lãi suất thấp hơn từ 1- 2% đối với những khách hàng sử dụng vòng quay vốn nhanh, khách hàng truyền thống, các lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tích cực, chủ động phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như, Ngân hàng TMCP Công thương đã hỗ trợ Công ty Quyết Thắng đầu tư dây truyền công nghệ sản xuất mới để nâng cao hiệu suất công việc, giảm giá thành sản phẩm; giúp Công ty Thượng Thành tìm kiếm thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện cho Công ty xi măng giãn các khoản nợ, tiếp tục cho vay ngắn hạn, vay lưu động thêm 6 tháng để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn…
Để hạn chế phát sinh nợ xấu trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục giám sát chặt chẽ, chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và của UBND tỉnh. Theo đó, bản thân các ngân hàng thương mại phải giám sát chặt chẽ các khoản vay ngay từ đầu, đầu tư vốn đúng mục đích, trong đó đảm bảo nguyên tắc cho vay an toàn và chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, tích cực đôn đốc thu nợ đến hạn, tập trung cho vay các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()