Ngành ngân hàng: Ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo chuyển tiền qua mạng
– Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chuyển tiền qua mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp, đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của người dân. Trước thực trạng đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ, giao dịch viên chủ động tư vấn, giải thích tuyên truyền giúp khách hàng nâng cao nhận thức, cảnh giác và kịp thời phát hiện hành vi lừa đảo.
Hiện nay, các chiêu trò lừa đảo chuyển tiền qua mạng điện thoại diễn ra ngày càng phức tạp. Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay chính là hình thức gửi quà từ nước ngoài về và yêu cầu khách hàng thanh toán. Đối tượng gửi quà thường giả danh là người nước ngoài và chỉ liên hệ qua mạng xã hội với khách hàng. Sau một khoảng thời gian quen biết, lợi dụng sự cả tin của người dân để nhờ họ nhận món quà với giá trị lớn.
Cán bộ Agribank Cao Lộc hướng dẫn khách hàng làm thủ tục giao dịch tại ngân hàng
Như trường hợp của chị Nông Thị Hợp, thôn Bản Chang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định là một ví dụ. Kể lại với chúng tôi, chị Hợp cho biết: Khoảng 1 tháng trước, có một người bạn bên Mỹ chủ động kết bạn làm quen với tôi trên mạng xã hội facebook. Đến ngày 30/7/2022, người bạn đó thông tin đã chuyển cho tôi thùng quà gồm mỹ phẩm và trang sức có giá trị rất lớn về Việt Nam (gần 1 tỷ đồng), quà đã được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) nhưng vì chưa thanh toán tiền thuế hải quan nên quà chưa thể giao đến cho tôi. Để nhanh chóng nhận quà, tôi chỉ việc chuyển khoản cho bà Trần Thị Thùy (theo số tài khoản được đối tượng cung cấp) với số tiền 50 triệu đồng. Do cả tin, nên ngày 1/8/2022, tôi đã đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Tràng Định (Agribank Tràng Định) để rút 50 triệu đồng trong sổ tiết kiệm và chuyển khoản theo yêu cầu của họ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Bích, cán bộ thực hiện giao dịch ngày 1/8/2022 cho chị Nông Thị Hợp tại Agribank Tràng Định chia sẻ: Hôm đó, chị Nông Thị Hợp ra ngân hàng để làm thủ tục chuyển tiền, với biểu hiện rất lo lắng, rụt rè và đặc biệt, trong quá tình giao dịch, tôi liên tục nghe được cuộc gọi thoại với giọng nói miền Nam thúc giục chị Hợp chuyển tiền. Nghi ngờ có giao dịch bất thường, tôi đã chủ động tư vấn, giải thích cho khách hàng về những chiêu trò lừa đảo hiện nay và khuyên chị không nên chuyển tiền cho người xa lạ. Sau khi biết chiêu trò lừa đảo đã bị phát hiện, đối tượng đã chặn liên hệ với chị Hợp ngay sau đó.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp lừa đảo chuyển tiền được các cán bộ, giao dịch viên tại ngân hàng kịp thời phát hiện. Các chiêu trò lừa đảo chuyển tiền phổ biến như: giả danh cơ quan chức năng (công an, tòa án…) thông báo nợ tiền vi phạm pháp luật; tặng quà có giá trị lớn và yêu cầu nộp tiền thuế, đặt cọc…. Cách lừa đảo tuy không mới, nhưng vẫn lợi dụng được sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, sơ suất của một số người dân.
Cán bộ Agribank Hữu Lũng hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch tại ngân hàng
Là một trong những đơn vị ghi nhận nhiều vụ ngăn chặn chuyển tiền qua mạng, từ đầu năm 2022 đến nay, Agribank Lạng sơn đã phát hiện, ngăn chặn 5 vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng, với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để nâng cao uy tín và tạo dựng niềm tin, cũng như sự an tâm của khách hàng khi gửi tiền tại ngân hàng, Ban Giám đốc đã chỉ đạo sát sao đến chi nhánh huyện, thành phố phổ biến đến các cán bộ, giao dịch viên, khi nhận thấy khách hàng có những dấu hiệu bất thường như: yêu cầu chuyển tiền số lượng lớn nhưng lại không có địa chỉ rõ ràng, chuyển khoản hoặc chuyển tiền đến những hệ thống ngân hàng khác, nhất là những ngân hàng hiện chưa có tại địa bàn tỉnh… giao dịch viên cần kiên trì tư vấn, đưa ra những ví dụ minh chứng về các vụ lừa đảo tương tự. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên về thủ đoạn của tội phạm thông qua các nền tảng mạng xã hội để người dân chủ động phòng ngừa, không mắc bẫy của tội phạm.
Không chỉ Agribank Lạng Sơn, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều tích cực tư vấn, hỗ trợ khách hàng tránh các hành vi lừa đảo chuyển tiền qua mạng. Điển hình như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn), từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã ngăn chặn thành công 14 vụ lừa đảo yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài khoản của khách hàng. Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, ngân hàng tổ chức từ 10 đến 20 lớp tập huấn lồng ghép về các nội dung liên quan đến kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống trong giao tiếp đối với khách hàng để trang bị những kiến thức về phòng, chống tội phạm trong thanh toán. Vì vậy, khi giao dịch với khách hàng, nhân viên luôn nâng cao cảnh giác nhằm tích cực hỗ trợ và giúp khách hàng tránh được mất mát khi đến giao dịch chuyển tiền tại chi nhánh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song tại hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận có xảy ra các vụ việc lừa đảo chuyển tiền qua mạng được cán bộ ngân hàng ngăn chặn kịp thời. Để ngăn ngừa tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã quan tâm phối hợp Công an tỉnh tăng cường cảnh báo đến các ngân hàng về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng cập nhật kiến thức, tập huấn kỹ năng phòng ngừa tội phạm, xử lý tình huống có thể xảy ra trong giao dịch hằng ngày. Cùng với đó, hệ thống các ngân hàng tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn, nâng cao tinh thần cảnh giác, phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm.
Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các cán bộ ngân hàng, các ngân hàng cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng, nâng cao cảnh giác khi tiếp nhận thông tin như những người la, không quen biết, tránh mắc bẫy những đối tượng lừa đảo, người dân cũng cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng cũng như trực tiếp đến các chi nhánh ngân hàng để kiểm tra, tránh tình trạng “’tiền mất tật mang” khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo gian lận, liên hệ phối hợp cùng ngân hàng kịp thời xử lý, ngăn chặn.
MAI LINH
Ý kiến ()