Ngành ngân hàng: Nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu
(LSO) – Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát ở mức an toàn. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu được xử lý từ nguồn vốn dự phòng còn chiếm đa số, do vậy, năm 2020, ngành ngân hàng tiếp tục tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
Trong năm 2019, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 749 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Tuy nhiên, số nợ khách hàng tự trả nợ chỉ có 85 tỷ đồng, còn lại 19 tỷ đồng thu từ xử lý tài sản bảo đảm và 645 tỷ đồng từ sử dụng vốn dự phòng rủi ro. Đồng thời, số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu) là 239,3 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chiếm 1,6% tổng dư nợ, giảm 54% so với thời điểm 31/12/2018.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Lạng Sơn
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu vẫn trong vùng an toàn nhưng để đảm bảo hiệu quả hoạt động, ngành ngân hàng đã xây dựng một số giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu. Bà Vi Thị Hoa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn cho biết: Với phương châm “phòng hơn chữa”, ngay từ tháng 1/2020, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khi thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng; kiểm soát chặt mục đích sử dụng vốn của khách hàng; hạn chế tối đa gia tăng nợ xấu của các khoản cấp tín dụng. Đồng thời, triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo đúng quy định pháp luật.
Trên tinh thần đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp quản lý hoạt động tín dụng cũng như quản lý nợ. Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đã thành lập ban chỉ đạo xử lý và thu hồi nợ, do giám đốc chi nhánh làm trưởng ban, chịu trách nhiệm tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá nguyên nhân từng khoản nợ để có những giải pháp thu hồi cụ thể. Những khoản cho vay nào có triển vọng, hiệu quả sẽ cơ cấu lại; những khoản vay xét thấy không còn hiệu quả sẽ thực hiện bán khoán tài sản, chuyển giao thu hồi nợ.
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Bên cạnh công tác thu hồi nợ, chi nhánh chủ động phối hợp với khách hàng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đối với khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi nhánh hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại nợ một cách phù hợp như: giãn thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay một cách hợp lý để khách hàng giảm bớt khó khăn về tài chính. Hiện tại, nợ xấu của chi nhánh chỉ còn chiếm 0,5% tổng dư nợ.
Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tiền tệ, hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn cho hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của Lạng Sơn.
Ý kiến ()