Ngành ngân hàng: Góp sức xây dựng nông thôn mới
– Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng, theo đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng vốn và tích cực tham gia tài trợ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.
Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) là đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2021, chi nhánh đã tài trợ vốn xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng như: hỗ trợ 5 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương xây dựng Trường Tiểu học, THCS Thống Nhất, huyện Lộc Bình; hỗ trợ xây dựng bếp ăn trường học huyện Hữu Lũng 400 triệu đồng; ủng hộ xây dựng đường điện, đường bê tông, ghế nhà văn hóa thôn Sao Thượng, huyện Chi Lăng 80 triệu đồng…
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank Văn Quan
Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Cùng với việc tham gia các chương trình an sinh xã hội, tài trợ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, thời gian qua, ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ vốn tín dụng, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tính đến nay, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 7.495 tỷ đồng với 29.124 khách hàng, chiếm tỷ lệ 66% trên tổng dư nợ.
Bên cạnh Agribank Lạng Sơn, những năm qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần thiết thực thực hiện các tiêu chí về nhà ở dân cư, môi trường trong xây dựng NTM. Tính đến nay, dư nợ cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của chi nhánh đạt 361 tỷ đồng với 20.300 hộ vay; dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt 66 tỷ đồng với 2.675 hộ vay. Đến nay, toàn tỉnh có 139/181 xã đạt tiêu chí nhà ở (tăng 10 xã so với năm 2020); 83/181 xã đạt tiêu chí môi trường (tăng 15 xã so với năm 2020). Ngoài ra, các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… cũng góp sức giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, hiện tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH đạt trên 3.400 tỷ đồng với 82.000 hộ vay.
Ông Nông Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quốc Khánh cho biết: Năm 2021, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và Nhân dân, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, từ các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp người dân có thêm điều kiện để sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tiêu chí, giảm nghèo. Đến nay, dư nợ tín dụng của NHCSXH và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn xã đạt trên 45 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, người dân đã đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình như: trồng cây dược liệu, chăn nuôi,… Qua đó, thu nhập của người dân trong xã từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Cụ thể hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 4,16%, giảm gần 20% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi năm 2016.
Không chỉ 2 ngân hàng trên, thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng NTM, các ngân hàng đã chủ động triển khai hỗ trợ tín dụng để chung sức xây dựng NTM. Cụ thể: Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt trên 5.188 tỷ đồng (chiếm 13,8%) dư nợ toàn địa bàn, số khách hàng còn dư nợ là trên 71.400 khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, trong năm 2021, nhiều ngân hàng đã tài trợ với số vốn lớn cho các công trình như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh tặng nhà tình nghĩa tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc trị giá 50 triệu đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn Pò Tang, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc trong chương trình ngày cao điểm ra quân xây dựng NTM trị giá 10 triệu đồng, lắp đặt 40 cột đèn pin năng lượng mặt trời tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập trị giá 100 triệu đồng…
Ngoài ra, ngành ngân hàng tỉnh còn triển khai hiệu quả các chương trình cho vay để hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Cụ thể, tính đến nay, dư nợ cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 120,7 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ toàn địa bàn; dư nợ cho vay theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/10/2021 (sửa đổi, bổ sung về một số điều của Nghị quyết 08) về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 là 210 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn cho vay của các ngân hàng, người dân có vốn để phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 91/181 xã đạt tiêu chí thu nhập (tăng 16 xã so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 25,95% năm 2015 xuống còn 12,20% năm 2021.
Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm qua, chi nhánh đã tập trung chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình cho vay của Chính phủ như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh, môi trường nông thôn; khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, mạng lưới ATM/POS đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn.
Sự chung tay, góp sức của các ngân hàng đã góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng NTM chung trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 75/181 xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
HIỂU LAM - MAI LINH
Ý kiến ()