Ngành ngân hàng: Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp
– Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19, cùng với đó là cung ứng nguồn vốn kịp thời cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất.
Trong những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay cũng như các chính sách hỗ trợ của ngân hàng, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ vốn cho khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khách hàng thực hiện giao dịch tại BIDV Lạng Sơn
Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đã thực hiện những giải pháp thiết thực nhằm kịp thời cung ứng nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Đinh Mạnh Tranh, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để nhanh chóng đưa vốn đến người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, chi nhánh tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX), tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, không ngừng cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục; nâng cao khả năng thẩm định; rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng. Qua đó, giúp người dân có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ đó, tính đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ chương trình cho vay tại Agribank Lạng Sơn đạt 11.770 tỷ đồng, tăng 597 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Doanh số cho vay từ đầu năm 2022 đến hết tháng 11/2022 đạt 6.447 tỷ đồng, với 927 hộ được vay vốn.
Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn) cũng đã thực hiện những giải pháp kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trên địa bàn tỉnh. Bà Mai Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 – 1%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hoặc phục vụ đời sống. Đến cuối tháng 11/2022, dư nợ cho vay của đơn vị đạt trên 7.100 tỷ đồng, tăng gần 1% so với năm 2021, với 3.700 hộ vay vốn. Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đổi mới, cải tiến thủ tục cho vay, phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp, người dân vay vốn sản xuất kinh doanh phục vụ đời sống.
Cùng với 2 ngân hàng trên, hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tích cực thực hiện các giải pháp để chủ động nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, nguồn vốn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng dư nợ tín dụng là 39.252 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 8.271 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Song song hỗ trợ vốn vay, ngành ngân hàng tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: cơ cấu lại các khoản nợ, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay… Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí giao dịch thanh toán; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà Lạng Sơn (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, do đó, nhu cầu về nguồn vốn rất cao. Trong quá trình tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Agribank Lạng Sơn, công ty đã được cán bộ ngân hàng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình các gói tín dụng phù hợp. Không những thế, trong năm 2022, công ty còn được hỗ trợ giảm 2% lãi suất đối với khoản vay. Nhờ đó, hoạt động của công ty không bị ngừng trệ, tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động tại địa phương..
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất đồng thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến nay, dư nợ đang được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 239 tỷ đồng với 150 khách hàng. Dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn là 36 tỷ đồng với 72 khách hàng. Trong đó có 36 khách hàng là doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ với dư nợ 171 tỷ đồng (chiếm 71,5% tổng dư nợ được hỗ trợ); cụ thể: 10 doanh nghiệp, HTX được miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất với dư nợ được hỗ trợ là 12 tỷ đồng; 26 doanh nghiệp, HTX được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được hỗ trợ là 159 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh là 57,3 tỷ đồng, số khách hàng được hỗ trợ là 12 khách hàng với số tiền đã được hỗ trợ lãi suất là 73,1 triệu đồng.
Sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh cùng sự nỗ lực của các ngân hàng nguồn vốn tín dụng đã góp phần tích cực giúp doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
“Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về vốn để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Qua đó, các ngân hàng đã chủ động tìm hiểu nhu cầu vốn của khách hàng để cho vay; tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi, hợp lý để phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tăng cường kết nối ngân hàng, doanh nghiệp và HTX nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Đồng thời, cân đối vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của khách hàng; nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp để có phương án cho vay kịp thời, phục hồi phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh”. Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh |
Ý kiến ()