Thứ 6, 29/11/2024 01:37 [(GMT +7)]
Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Thứ 6, 07/09/2012 | 09:53:00 [(GMT +7)] A A
Với những hoạt động tích cực đó, ngành ngân hàng tỉnh đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua chặng đường gian khó. Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng nhà Nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và ưu tiên các lĩnh vực, ngành theo quy định.
LSO-Không nằm ngoài tình hình chung của cả nước, những năm qua, do chịu sự tác động mạnh mẽ của giá cả thị trường, lãi suất ngân hàng cao nên các doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn gặp không ít thách thức, khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp về chính sách tiền tệ, trong đó ưu tiên cho vay vốn đối với một số ngành nghề như phát triển nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất, vươn lên. Đặc biệt, từ đầu năm 2012 đến nay, sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất trần huy động, đến thời điểm này, đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay tối đa đến 15%/năm cho 100% các khoản vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nợ của doanh nghiệp.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Có thể nói, trong thời gian qua, vấn đề cho vay vốn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, cụ thể trong tháng 7/2012 UBND tỉnh họp nắm tình hình huy động và cho vay vốn các doanh nghiệp, tháng 8/2012 họp Tổ công tác về giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tín dụng của ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề vướng mắc của ngân hàng là không giải ngân được vì doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện vay như tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi… Trong khi đó, các doanh nghiệp sau một thời gian dài chịu áp lực mạnh của thị trường và lãi suất cao đã kiệt quệ sức lực: sản phẩm không tiêu thụ được, khó khăn trong duy trì sản xuất, khát vốn mới mà vốn cũ lại chưa trả được cho ngân hàng như cam kết. Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại đã có nhiều hoạt động tích cực về tín dụng cho vay, giảm lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp sức cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, các thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như Thông tư số 14/2012/TT-NHNN ngày 04/5/2012, Thông tư số 20/2012/TT-NHNN ngày 8/6/2012…, các ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét ưu tiên đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, trong đó tập trung hỗ trợ cho các lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong 7 tháng đầu năm 2012, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại đạt 6.576 tỷ đồng, tăng 6,89% so với thời điểm 31/12/2011, trong đó dư nợ cho doanh nghiệp vay là 4.186 tỷ đồng, chiếm 63,65% tổng dư nợ, với 572 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trên địa bàn, riêng dư nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 41% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Hiện, các ngân hàng thương mại cho vay đối với các nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, xuất khẩu với mức lãi suất thấp nhất là 11%/năm, phổ biến là 13-14%/năm; dư nợ có mức lãi suất từ 15% trở xuống chiếm tới 89% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, bằng 5.853 tỷ đồng. Một số ngân hàng đã đi đầu trong thực hiện giảm lãi suất và áp dụng lãi suất tối đa 15%/năm đối với 100% dư nợ của chi nhánh như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng SHB… Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng theo quy định hiện hành, đến nay toàn tỉnh đã có số dư nợ 404 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổng dư nợ được giảm lãi suất là 3.400 tỷ đồng (lãi suất trên hợp đồng tín dung là 16,5-21,5%, sau khi giảm còn 12%-18%/năm) như: Công ty TNHH Hưng Thịnh Lạng Sơn có tổng dư nợ cả gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 28,2 tỷ đồng, dư nợ được giảm lãi suất 26,6 tỷ đồng, giảm từ 19,2%/năm xuống còn 12%/năm; Nhà máy xi măng Đồng Bành dư nợ được cơ cấu lại là 35 tỷ đồng, dư nợ được giảm lãi suất 258 tỷ đồng…
Với những hoạt động tích cực đó, ngành ngân hàng tỉnh đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua chặng đường gian khó. Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng nhà Nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và ưu tiên các lĩnh vực, ngành theo quy định.
Lâm Như
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()